Thú cưng chán ăn là nỗi lo chung của nhiều chủ nuôi. Nếu việc bỏ ăn diễn ra thường xuyên sẽ khiến cún cưng mất sức và để lại những hậu quả khôn lường trong thời gian dài. Vậy nên hãy cùng Cẩm nang Pet Choy khám phá những bí kíp trị chán ăn - tăng thòm thèm cho các bé nhé.
Thú cưng chán ăn khi nào?
Góc nhìn chủ nuôi
Trước khi bắt đầu khám phá bí kíp “dụ” thú cưng ăn ngon, bạn phải trả lời được một câu hỏi quan trọng là thú cưng của bạn thực sự đói và cần phải nạp thêm thức ăn không?
Nhu cầu của mỗi cá thể vật nuôi là khác nhau và khẩu phần ăn thường ngày cũng có thể khác nhau tùy theo từng giai đoạn và sự phát triển sinh lý. Chính vì vậy, cần dựa trên nhiều yếu tố để xác định được con số chính xác khẩu phần ăn mỗi ngày cho chúng. Ngoài ra bạn cũng cần xác định loại thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng và nguồn năng lượng mà khẩu phần ăn cung cấp. Tùy thuộc vào mức độ hoạt động của thú cưng mà loại thức ăn đó, đôi khi lại đáp ứng nhiều hơn nhu cầu năng lượng cần thiết cho thú cưng và dĩ nhiên khi ấy, bạn không cần phải nhọc sức dụ dỗ thú cưng ăn thêm.
Tâm lý chung luôn mong muốn thú cưng khỏe mạnh và béo mẫm của các chủ nuôi đôi khi sẽ nảy sinh định kiến về số lượng thức ăn: cho rằng thú cưng vẫn ăn chưa đủ. Tuy nhiên dựa trên tình trạng cơ thể, số cân nặng và hành vi ăn, ta có thể nhận rõ thú cưng có thực sự cần nạp thêm thức ăn hay không.
Góc độ thú cưng
Khi cảm giác thèm ăn bắt đầu giảm, việc chán ăn, bỏ ăn ở thú cưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tật. Các nguyên nhân sinh lý gây ra tình trạng suy giảm cảm giác thèm ăn có thể kể đến như: bệnh răng miệng (gãy răng, áp xe răng, u miệng…); tắc nghẽn đường tiểu; táo bón; nhiễm trùng đường hô hấp trên; bệnh thận; bệnh viêm ruột (IBD); viêm thực quản, xảy ra do trào ngược axit, ăn phải chất kích thích hóa học, nôn mửa liên tục, thoát vị gián đoạn...; ký sinh trùng; bệnh ung thư...
Điều quan trọng nhất là phải đến bác sĩ thú y nếu bạn nhận thấy những thay đổi bất thường trong thói quen ăn uống của chúng để có biện pháp ứng phó kịp thời với tình trạng đó. Ngoài ra, những nguyên nhân khách quan như sự thay đổi môi trường xung quanh (say tàu xe, thay đổi nơi ở, độ cao của bát thức ăn, mối đe dọa từ các con vật khác xung quanh...) hay nguyên nhân chủ quan, phát sinh từ tâm lý kén chọn, căng thẳng hoặc các vấn đề về hành vi cũng có thể dẫn đến việc thú cưng từ chối “thòm thèm” thức ăn.
Bí kíp để thú cưng ăn ngon hơn
1. Thấu hiểu thú cưng
Chó mèo kén ăn, khó tính không phải do bản năng, mà là do rèn luyện hoặc ngoại cảnh tác động. Có nguyên nhân gây ra, ắt sẽ có cách khắc phục. Để kích thích thú cưng ăn ngon miệng, trước hết cần thấu hiểu thú cưng từ tình trạng cơ thể, chế độ ăn thường nhật, thói quen, hành vi ăn uống... để xác định và đáp ứng khẩu phần ăn thích hợp. Bởi dù có vô vàn những điểm chung, nhưng mỗi thú cưng vẫn là mỗi một cá thể riêng biệt.
Cần thấu hiểu thú cưng để triển khai “bí kíp”
2. Không thay đổi thức ăn quá thường xuyên
Việc thay đổi thức ăn đột ngột sẽ làm cho cún cưng cảm thấy khó chịu và gây ra tình trạng chó lười ăn. Trong nhiều trường hợp, nó là nguyên nhân gây ra nôn mửa hoặc tiêu chảy. Để có thể thay đổi thói quen ăn uống của chúng, bạn có thể từ từ thay đổi mùi vị món ăn. Một trong những phương pháp thay đổi thực đơn thức ăn là dựa vào pate. Pate có độ ẩm cao, dễ tiêu hóa và kích thích ăn uống, được trộn chung với thức ăn khô hoặc cơm sẽ giúp các bé cảm thấy bữa ăn trở nên thơm ngon hơn.
3. Làm ấm thức ăn
Một món ăn ngon thường được xác định trước tiên thông qua mùi thơm. Hương thơm từ thức ăn gây kích thích sự thèm ăn cho cả con người và thú cưng. Đó là lý do tại sao khi chó, mèo của bạn ăn thức ăn ướt hoặc đóng hộp, hãy thử hâm nóng nó một chút. Hương thơm hấp dẫn thoang thoảng sẽ khiến chó cưng của bạn thòm thèm muốn ăn đó!
4. Tăng vị cho thức ăn
Hãy thêm một “cái gì đó” ngon vào thức ăn. Đối với thức ăn khô, hãy thử thêm một lượng nhỏ thức ăn đóng hộp vào bát. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của thú cưng, bạn cũng có thể trộn một lượng nhỏ thức ăn ngon như nạc nấu chín, thịt gà hoặc phô mai (và chớ quên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng nhé). Một số loại thức ăn trẻ em cũng có thể “dụ” thú cưng ăn và dĩ nhiên là cần tránh tuyệt đối bất kỳ loại thức ăn nào có chứa thành phần gây độc đối với thú cưng.
Tăng vị thức ăn để tăng “thòm thèm” cho thú cưng
5. Tạo kết cấu dễ nuốt
Một số thú cưng rất kén chọn trong việc ăn uống và đặc biệt không thích ăn thức ăn khô, vậy thì hãy lựa chọn thức ăn ướt. Khi đó thú cưng sẽ không cần phải uống thêm nhiều nước mà không sợ thiếu nước vì hàm lượng nước khá cao trong thức ăn. Đặc biệt đối với những thú cưng đang theo chế độ ăn kiêng, đây có thể là một cách tuyệt vời để làm cho thức ăn trở nên ngon miệng hơn mà không ảnh hưởng đến chế độ ăn đó.
6. Vận động trước khi ăn
Bạn hãy tạo cho thú cưng đang chán ăn một cảm giác vui vẻ khi đến giờ ăn. Ví dụ, có thể dạy chúng chơi một trò chơi với phần thưởng là một món đồ ăn yêu thích. Nếu thú cưng là chó, bạn có thể dắt chúng đi dạo hoặc chạy bộ trước bữa ăn nhằm giúp tăng cảm giác ngon miệng hơn. Những chú chó lười ăn sau khi vận động thường rất háu đồ ăn. Nếu còn nuôi những loài vật nuôi khác thì bạn hãy thử đem bát thức ăn của nó sang phòng khác để nó có thể ăn một mình. Có những bé chó chỉ thích ăn uống trong sự “riêng tư”.
7. Tăng tương tác khi ăn
Đôi khi thú cưng của chúng ta cảm thấy tốt hơn khi ngồi bên chúng ta và nhận được sự chăm sóc dịu dàng khi ăn. Hãy thử cân nhắc việc cho chúng ăn bằng tay để “dụ” chúng ăn. Khi chúng “chịu” ăn, hãy thử dành cho chúng phần thưởng nhỏ mà chúng ưa thích. Điều này còn có thể giúp củng cố mối quan hệ của thú cưng và bạn đó.
Hãy thử cân nhắc việc cho chúng ăn bằng tay để “dụ” chúng ăn
8. Châm cứu
Châm cứu cho chó, mèo là phương pháp chữa bệnh vô cùng hiệu quả đã được các bác sĩ thú y áp dụng từ lâu. Châm cứu không chỉ chữa các bệnh xương khớp, thần kinh mà còn có thể hỗ trợ tiêu hóa, giúp chó mèo ăn uống ngon miệng. Ví dụ châm cứu vào huyệt túc tam lý có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm tiêu chảy, đau bụng,... Thực tế có nhiều trường hợp chó mèo bị bệnh được châm cứu và cho kết quả khả quan.
9. Thuốc kích thích thèm ăn
Các chất kích thích thèm ăn duy nhất trên thị trường đã được FDA chấp thuận là Mirtaz cho mèo và Entyce cho chó. Không phải tất cả các loại thuốc đều phù hợp với tất cả vật nuôi, vì vậy hãy dựa vào ý kiến của bác sĩ thú y để xác định được loại thuốc, liều lượng, thời gian và tần suất chính xác cho tình trạng cụ thể của thú cưng bạn nhé.
Nên tham khảo ý kiến và chỉ định của bác sĩ khi cho thú cưng uống thuốc
10. Thức ăn từ Pet Choy
Bằng việc cung cấp các sản phẩm an toàn, dinh dưỡng và thơm ngon, các món ăn tươi từ Pet Choy luôn mang đến cho thú cưng những giờ ăn ngon lành và vui vẻ. Hãy thử tham khảo “thực đơn” tại Pet Choy để khỏi phải nhọc công “dụ dỗ” mà vẫn khiến thú cưng thòm thèm, thích thú, thưởng thức bữa ăn.
Sự thay đổi trong thói quen ăn uống của thú cưng, dù tăng hoặc giảm, đều là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn ở chúng. Khi thú cưng chán ăn một cách lạ thường, nó đang nói với bạn rằng nó không cảm thấy khỏe, cả về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc. Hãy theo dõi lịch trình ăn uống của thú cưng thường xuyên, thường ít nhất hai lần một ngày và biến giờ ăn thành thời gian vui vẻ cho thú cưng của bạn bằng những bí kíp có thể áp dụng bên trên nhé.