Với kinh nghiệm khám và cứu chữa cho thú cưng trong nhiều năm, đặc biệt là chó, bác sĩ Minh Quân (công tác tại phòng khám HiPet, Q.8, TP. HCM) cho biết lượng công việc của mình nhiều hơn vào thời điểm giao mùa. Trong giai đoạn này thú cưng thường dễ dàng mắc bệnh. Những loại bệnh này đã có sẵn trong cơ thể, chỉ cần điều kiện xấu tác động là hệ miễn dịch lập tức bị suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, mầm bệnh phát triển. “Sự miễn dịch nói nôm na như một đội quân bảo vệ, vào thời điểm nắng nóng đội quân đó sẽ bị yếu đi, những mầm bệnh sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể, khiến vật nuôi mắc bệnh”, bác sĩ Quân chia sẻ. Để tìm hiểu kĩ hơn, mời bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây nhé!
1. 5 bệnh thường gặp nhất vào thời điểm nắng nóng
5 bệnh thường gặp vào thời điểm nắng nóng
1.1. Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, định hướng hệ thần kinh, phát sinh theo mùa vụ, đặc biệt là vào mùa hè, có nguy cơ tử vong cao. Có nhiều nguyên dẫn đến căn bệnh này song nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn phát triển. Thú cưng gặp thời tiết bất lợi sẽ dễ bị suy yếu, mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, đây chính là “thời cơ vàng” để mầm bệnh tấn công.
Bệnh dại có hai thể: thể “điên cuồng” và thể ẩn. Biểu hiện của thể “điên cuồng” thường dễ nhận biết (thú cưng hay chạy rong ngoài đường, cắn xé những vật mà chúng bắt gặp...) vì lúc này vi-rút đã tấn công lên hệ thần kinh nên chúng không thể kiểm soát hành động. Thể ẩn khó nhận biết hơn, thú cưng có xu hướng tìm góc tối để nằm, sợ âm thanh, sợ nước, sợ ánh sáng.
1.2. Viêm da dị ứng do bọ chét
Trong mùa hè, khả năng chó của bạn bị bọ chét và ve tấn công sẽ cao hơn các thời điểm khác trong năm. Bị bọ chét cắn sẽ khiến vật nuôi khó chịu và có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như viêm da dị ứng, thiếu máu, sán dây. Chúng thường trú ẩn trong các sợi thảm, bãi cỏ, vườn nhà, bụi rậm,... tồn tại trong nhiều tuần và thậm chí vài tháng trong điều kiện thích hợp, đó là một trong những lý do tại sao rất khó loại bỏ bọ chét khỏi nhà. Vì vậy, sau khi trở về nhà, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng cơ thể chó xem ve, bọ chét có tấn công thú cưng không. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra kĩ bộ lông, vùng miệng, bên trong tai và cổ của chó cưng,...
1.3. Bệnh Lyme
Bệnh Lyme là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở chó, con đường lây truyền thường thấy là từ bọ ve qua cơ thể vật nuôi, dẫn đến hiện tượng què quặt. Lyme sẽ tác động mạnh mẽ đến cơ thể thú cưng khiến chúng gặp tình trạng sưng khớp, nổi hạch, thờ ơ và chán ăn. Căn bệnh này còn ảnh hưởng đến chức năng thận và gây suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, bạn cần chăm sóc vật nuôi chu đáo hơn, thường xuyên chải lông cho chó, kết hợp tiêu diệt bọ ve. Nếu không may vật nuôi mắc bệnh Lyme, bạn nên mang chúng đến cơ sở thú y gần nhất trước khi quá muộn.
1.4. Say nắng và mất nước
Những con chó lớn tuổi hoặc thừa cân có nguy cơ bị say nắng cao hơn vào mùa hè. Mất nước là một vấn đề rất phổ biến ở chó vào thời điểm nắng nóng. Khi chó bị mất nước, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng như thờ ơ, suy nhược, khó thở, da khô và nướu răng dính. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị say nắng và mất nước bằng cách giữ cho chó luôn ở trạng thái mát mẻ, cho chúng uống nước đá và sắp xếp chúng nằm nghỉ tại nơi râm má. Vì chó không đổ mồ hôi như con người nên chúng cần được chải lông kịp thời để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
1.5. Cháy nắng
Cháy nắng là vấn đề phổ biến nhất ở người trong mùa hè và ảnh hưởng đến sức khỏe của chó. Chó có bộ lông ngắn và lông sáng sẽ có nguy cơ bị cháy nắng cao hơn. Để tránh bị cháy nắng, chủ nuôi nên cho chúng ở trong nơi râm mát, hạn chế để thú cưng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tránh cho chúng ra ngoài vào những giờ nắng cao điểm, ví dụ từ 12h đến 13h chiều. Bạn cũng có thể thoa kem chống nắng lên bàn chân và vùng da tiếp xúc của chúng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem chống nắng dành riêng cho chó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi mua về cho thú cưng sử dụng.
2. Chăm sóc thú cưng đúng cách thời điểm nắng nóng
Chăm sóc thú cưng đúng cách thời điểm nắng nóng
2.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong thời tiết nắng nóng, thức ăn của thú cưng là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Việc thay đổi thức ăn đột ngột, không có lộ trình sẽ ảnh hưởng đến đường ruột của vật nuôi; vi-rút, vi khuẩn, vi nấm… các mầm bệnh bắt đầu phát triển, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón. Chính vì vậy chủ nuôi cần bổ sung vitamin, khoáng, chất đạm… cho thú cưng, đồng thời phải có sự điều chỉnh phù hợp với từng vật nuôi.
Vật nuôi nào thừa cân cần phải giảm bớt để bảo đảm sức khỏe. Hạn chế tinh bột, những thức ăn có dầu mỡ, cần duy trì khẩu phần ăn có sự cân bằng giữa đạm, lipit. Thức ăn hạt cũng chỉ nên cho một lượng vừa phải, vì vào thời tiết ẩm sẽ phát sinh ra vi khuẩn không tốt cho đường tiêu hóa. Ngoài ra, chủ nuôi nên bổ sung rau xanh cho khẩu phần ăn của chó mèo, ví dụ như một số loại chó thì nên bổ sung bí đỏ để hạn chế được tình trạng táo bón.
Vào thời điểm giao mùa, cơ thể chó cưng thường mất nước trầm trọng dẫn đến hiện tượng chán ăn, mệt lả, chỉ muốn nằm một chỗ. Bạn nên bổ sung thức ăn ướt thay vì thức ăn khô để cung cấp lượng nước vừa đủ cho cơ thể thú cưng, trong đó không thể không kể đến pate tươi. Nếu vẫn còn lăn tăn trong khâu lựa chọn, bạn có thể tham khảo menu pate tươi Pet Choy. Mỗi bữa ăn của chó cưng đều được chế biến theo công thức dinh dưỡng chuyên biệt từ bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm; nguyên liệu tươi ngon cao cấp, không chất phụ gia, không chất độn, không chất bảo quản, đảm bảo sức khỏe cho chó cưng nhà bạn.
2.2. Cắt tỉa lông đúng cách
Đối với các loại chó, mèo lông dài, vào mùa nóng dễ bị sốc nhiệt, vì vậy cần chú trọng đến việc cắt tỉa lông. Chủ nuôi nên đem chó đến những nơi có chuyên môn để hiểu được tính chất của từng con và đưa ra hình thức cắt tỉa phù hợp. Quan trọng nhất, bạn không nên cạo sát da chó. Trừ một số loại, đa phần chó đều cần có bộ lông để bảo vệ chúng, nếu cạo sát da sẽ làm chó dễ nhiễm bệnh, gây tổn thương trên bề mặt và ảnh hưởng đến tâm lý của chúng.
2.3. Quan sát thú cưng và cập nhật thông tin chính xác
Chủ nuôi cần quan sát thói quen hằng ngày của thú cưng từ việc ăn uống, đi vệ sinh, thói quen chơi đùa. Thú cưng có những thay đổi bất thường như nằm nhiều hơn hoặc ăn ít hơn so với những ngày khác thì chúng ta nên có phương án can thiệp. Trong thời đại 4.0 như hiện nay, chủ nuôi nên kết bạn với các bác sĩ thú y qua Zalo để được tư vấn kịp thời, tránh trường hợp tiếp nhận thông tin sai lệch gây ra các hậu quả đáng tiếc.
2.4. Thực hiện tiêm phòng cho chó
Quan trọng nhất, chủ nuôi nên tiêm phòng đầy đủ cho thú cưng: từ 1 đến 2 tháng sau khi sinh ra phải sổ giun, sau đó tiêm mũi ngừa 4 bệnh, 5 bệnh hoặc 6 bệnh, tùy tình hình địa phương và giống vật nuôi. Tiêm định kỳ mỗi năm một lần để hàng rào miễn dịch của thú cưng luôn vững mạnh, bảo vệ chúng trước những tác động xấu.
Pet Choy mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp chủ nuôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các loại bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng cũng như cách chăm sóc vật nuôi. Chúc chó cưng nhà bạn sẽ luôn khỏe mạnh nhé!