Sức khỏe

BỆNH GIẢM BẠCH CẦU Ở MÈO: PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ

BỆNH GIẢM BẠCH CẦU Ở MÈO: PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ

Chủ nuôi nghe nhiều đến bệnh giảm bạch cầu ở mèo nhưng chưa nắm rõ mức độ nguy hiểm của căn bệnh này và muốn tìm hiểu nhiều thông tin bổ ích để bảo vệ mèo cưng khỏi các tác nhân gây hại. Biết được nhu cầu này, hôm nay Pet Choy sẽ gửi đến các bạn một số thông tin cơ bản về bệnh giảm bạch cầu ở mèo. Cùng đọc nhé!

1. Bệnh giảm bạch cầu ở mèo là gì? 

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo (hay viêm ruột truyền nhiễm) là căn bệnh nguy hiểm xuất phát từ một loại DNA virus có tên Felien parvovirus (FPV) nằm trong nhóm Parvovirus gây ra. Theo các chuyên gia, bác sĩ thú y thì virus ở mèo sẽ lây lan nhanh chóng và tiêu diệt những tế bào quan trọng trong cơ thể vật nuôi, chẳng hạn như các tế bào trong tủy xương, đường và suy giảm bạch cầu. Nguyên nhân là do virus tấn công vào bạch cầu khiến số lượng bạch cầu giảm xuống, những tác nhân khác dễ dàng “xâm chiếm” cơ thể mèo và khiến vật cưng suy giảm hệ thống miễn dịch, dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau, nôn ói, tiêu chảy triền miên, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tử vong. 

Virus Parvo có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường, hầu như tất cả mèo đều tiếp xúc với virus tại một số thời điểm trong suốt vòng đời của chúng. Sự thật đã chứng minh dù ở lứa tuổi nào thì mèo cũng có thể bị nhiễm virus Parvo dẫn bệnh giảm bạch cầu, tuy nhiên mèo con, mèo bị bệnh và mèo chưa được tiêm phòng vẫn là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất, cụ thể là mèo khoảng 3-5 tháng tuổi. 

2. Dấu hiệu mèo mắc bệnh giảm bạch cầu 

Virus Parvo sẽ tác động mạnh mẽ lên các tế bào trong đường ruột, hệ tiêu hóa, tấn công tủy xương và các hạch bạch huyết, dẫn đến thiếu hụt tất cả các loại bạch cầu và hồng cầu. Những dấu hiệu đầu tiên mà chủ nuôi có thể nhận thấy ở mèo bao gồm trầm cảm, thu mình vào một góc, chán ăn, sốt cao, hôn mê, nôn mửa, tiêu chảy nặng, chảy nước mũi và mất nước. Mèo bị bệnh có thể ngồi lâu trước bát nước nhưng không đá động gì đến dù chúng đang rất khát. Trong một vài trường hợp, cơn sốt cũng sẽ thay đổi thất thường, lúc thì sốt cao lúc thì đột ngột giảm xuống mức thấp đến đáng báo động. Ở mèo con, bệnh suy giảm bạch cầu cũng có thể gây hại cho não và mắt.
Những con mèo cái mang thai mắc bệnh (ngay cả khi chúng không có biểu hiện bệnh nặng) có khả năng cao sẽ phải bỏ thai hoặc sinh ra những chú mèo con bị tổn thương nghiêm trọng ở tiểu não, ảnh hưởng đến quá trình phối hợp các dây thần kinh, cơ, xương và suy giảm chức năng vận động. 

Dấu hiệu mèo mắc bệnh giảm bạch cầu

Dấu hiệu mèo mắc bệnh giảm bạch cầu 

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết dấu hiệu mèo gặp chứng giảm bạch cầu thông qua tiền sử tiếp xúc với những chú mèo đã bị nhiễm bệnh hoặc không được tiêm phòng đầy đủ. Khi tiền sử phơi nhiễm kết hợp với các xét nghiệm máu cho thấy nồng độ máu giảm nhiều thì rất có khả năng mèo sẽ mắc bệnh giảm bạch cầu. Bên cạnh đó, bệnh giảm bạch cầu còn được xác minh qua việc kiểm tra xem trong phân mèo có virus Parvo không, trong một vài trường hợp có thể cho ra kết quả âm tính nếu mèo đã được tiêm phòng FPV trong vòng 5-12 ngày trước khi xét nghiệm. 

3. Hướng xử lý khi mèo mắc bệnh giảm bạch cầu 

3.1. Cách ly mèo bệnh khỏi mèo khỏe mạnh 

Virus Parvo sẽ lẫn trong nước tiểu, phân và dịch mũi của mèo cưng, mèo nhạy cảm sẽ bị phơi nhiễm nếu tiếp xúc với các chất này. Để hạn chế tối đa tình trạng lây chéo, chủ nuôi nên tiến hành cách ly, tách mèo nhiễm bệnh khỏi mèo khỏe mạnh, cho chúng dùng riêng ổ, lồng, bát đĩa đựng thức ăn,... Virus gây ra bệnh giảm bạch cầu rất khó bị tiêu diệt và có khả năng kháng lại nhiều chất khử trùng nên tốt nhất bạn tránh để mèo chưa được tiêm phòng tiến lại gần khu vực mèo bị nhiễm bệnh - ngay cả khi khu vực đó đã được khử trùng.

3.2. Bổ sung thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ 

Khả năng phục hồi của mèo con dưới tám tuần tuổi bị suy giảm bạch cầu là rất kém, mèo trưởng thành có cơ hội sống sót cao hơn nếu được điều trị sớm. Vì không có loại thuốc nào có khả năng tiêu diệt virus nên việc chăm sóc và điều trị tích cực vô cùng quan trọng cho đến khi cơ thể và hệ thống miễn dịch của mèo đủ mạnh để chống lại virus. Nếu không được chăm sóc chu đáo, 90% mèo bị giảm bạch cầu sẽ chất. 

Bổ sung thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ

Bổ sung thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ 

Mèo bị nhiễm bệnh có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn mèo khỏe mạnh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu khi lượng bạch cầu giảm đột ngột, gây ra những tổn thương, dẫn đến nhiễm trùng máu cực nguy hiểm. Do đó bạn cần cho chúng uống thuốc kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ thú y, dù những loại thuốc này không có tác dụng tiêu diệt virus nhưng chúng có công dụng chống nhiễm trùng hữu hiệu. 

3.3. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thú y 

Để mèo cưng vượt qua căn bệnh này, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là tuân theo hướng dẫn mà bác sĩ thú y đã vạch ra, kết hợp theo dõi biểu hiện, hành vi và sự tiến triển của căn bệnh để đưa ra hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng cho mèo uống thuốc đúng liều, đúng giờ, bổ sung thực phẩm dạng lỏng để mèo dễ nuốt, không bị hóc nghẹn như bác sĩ thú y đã khuyên. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ nuôi và bác sĩ thú y sẽ giúp  thú cưng nhận được sự chăm sóc tốt nhất và mau bình phục đó ạ. 

4. Cách phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo 

Một số bạn lầm tưởng mèo sinh ra đời đã có kháng thể khỏe mạnh, bị ốm cũng sẽ mau khỏi, tuy nhiên đây là quan điểm sai lầm đó ạ. Mèo con cũng có thể nhận được miễn dịch tạm thời thông qua việc chuyển giao các kháng thể trong sữa non - những đợt sữa đầu tiên của mèo mẹ sau khi sinh con. Đây được gọi là “miễn dịch thụ động” và thời gian bảo vệ mèo con khỏi bị nhiễm trùng tùy thuộc vào mức độ kháng thể có trong sữa mẹ nhưng hiếm khi kéo dài hơn 12 tuần.

Cách phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo

Cách phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu ở mèo 

Theo đó tiêm ngừa vẫn là phương cách hữu hiệu nhất giúp mèo phòng ngừa bệnh giảm bạch cầu. Nhờ sự phát triển tiên tiến của khoa học công nghệ và nền y học thế giới mà ngày càng có nhiều loại vắc xin bảo vệ mèo khỏi “căn bệnh quái gở” đó. Hầu hết mèo con được tiêm mũi vaccine đầu tiên từ 6 đến 8 tuần tuổi và các mũi nhắc lại tiếp theo được tiêm cho đến khi mèo con được khoảng 16 tuần tuổi, lịch tiêm phòng cho mèo lớn thay đổi theo độ tuổi và sức khỏe của mèo. 

Với những thông tin trên, Pet Choy hy vọng bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích để bảo vệ mèo cưng khỏi căn bệnh giảm bạch cầu nguy hiểm. Hy vọng vật nuôi của bạn sẽ luôn luôn khỏe mạnh để đồng hành cùng bạn thật lâu nhé. Nếu muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích thì đừng quên đón chờ những bài viết tiếp theo của tụi mình nha. 

article