Sức khỏe

Chó ăn gì để tránh béo phì?

Chó ăn gì để tránh béo phì?

Trong mắt phần đông chúng ta, các bé chó béo tròn trông rất đáng yêu ngộ nghĩnh, dạo gần đây trào lưu khoe chó béo trên một số diễn đàn đang rất được sự quan tâm. Nhưng mấy ai biết, chó béo phì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật nguy hiểm. Tình yêu nên xuất phát từ sự hiểu biết đúng, trước hết bạn nên dành thời gian tìm hiểu về bệnh béo phì, cách chăm sóc để tầm soát được tình trạng béo phì ở chó.


1. Bệnh béo phì ở chó

Thú cưng trở nên thừa cân khi mức calo tiêu thụ cao hơn mức sử dụng. Lượng calo dư thừa này sẽ được tích trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Số lượng tế bào mỡ của chó được xác định từ khi chúng còn là chó con và mỗi tế bào riêng lẻ có thể trở nên lớn hơn hoặc nhỏ hơn, tùy thuộc vào lượng chất béo được lưu trữ. Một khi tế bào mỡ được hình thành sẽ tồn tại vĩnh viễn, kể cả khi đã ngừng hấp thụ lượng calo dư thừa vào cơ thể. Vì lý do này mà chó trở nên thừa cân ở độ tuổi chó con, hệ quả là gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì cân nặng, khó giảm cân khi trưởng thành, dễ dẫn đến bệnh lý béo phì.
Chó thừa cân có nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm nhiễm trùng da, huyết áp cao, bệnh tim, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, rối loạn chỉnh hình, viêm khớp và một số bệnh ung thư,... Nghiên cứu Purina Life Span về vai trò quan trọng của tình trạng cơ thể lý tưởng đối với sức khỏe và tuổi thọ vật nuôi, đã chỉ ra rằng: Chó có trọng lượng cơ thể lý tưởng sống lâu hơn những con chó béo phì đến gần hai năm. Như vậy, việc ngăn ngừa béo phì ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng.

Cách xác định tình trạng thừa cân: 
Có thể dùng phương pháp định lượng, chủ quan BCS (Body Condition Scores) để đánh giá chất béo trong cơ thể thú cưng. Theo BCS, mức trọng lượng của chó được tiêu chuẩn hóa thành các điểm từ 1 - 9/ 9, trong đó 5/9 là trọng lượng cơ thể lý tưởng. 
Ví dụ: Chó suy dinh dưỡng (1/9) sẽ có xương sườn, xương sống và xương hông rõ ràng. Chó rất béo phì (9/9) sẽ có một lớp mỡ trên xương sườn, chất béo tích tụ trước hông, gần cổ và bụng phình to. Chó có trọng lượng cơ thể lý tưởng (5/9) sẽ có xương sườn dễ cảm nhận được, không bị lớp mỡ tràn qua, bụng hóp lại khi nhìn từ bên cạnh và có thể nhìn thấy xương sườn cuối cùng.
Ernie Ward, DVM - người sáng lập Hiệp hội Phòng chống Béo phì cho Vật nuôi (APOP), cho biết: “Giảm cân bắt đầu và kết thúc ở bát thức ăn cho chó và mèo. Chế độ ăn kiêng chiếm 60-70% và tập thể dục chiếm 30-40% trong giảm cân cho chó". Đối với con người cũng như với thú cưng, việc giảm cân phụ thuộc chủ yếu vào hai điều: thức ăn và thể dục. Đối với một chủ nuôi đang cố gắng quản lý hoặc giảm trọng lượng thú cưng thì thức ăn chính là nhân tố quan trọng nhất.

2. Chó ăn gì để tránh béo phì

2.1 Về chế độ ăn

Chó dưới 1 tuổi: 

Chó con cần được cung cấp thức ăn đáp ứng nhu cầu cao về calo và các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của chúng. Tuy nhiên vì bụng chó con tương đối nhỏ nên chúng cần nhiều bữa ăn nhỏ mỗi ngày, tương đương như:

  • Từ 6 đến 12 tuần: bốn bữa ăn hàng ngày
  • 12 đến 20 tuần: ba bữa ăn hàng ngày
  • 20 tuần trở đi: hai bữa ăn hàng ngày

Số lượng thức ăn tùy thuộc vào kích thước và độ tuổi của chó con. Cần đọc kỹ hướng dẫn cho ăn trên mỗi bao bì thức ăn và bắt đầu cho ăn với số lượng khuyến nghị nhỏ nhất so với độ tuổi và kích thước của chó. Chỉ tăng số lượng thức ăn khi chó con bắt đầu gầy đi. Chó con béo không phải là điều tốt vì chó con béo luôn tiềm ẩn khả năng rất cao nó sẽ béo phì và dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khi trưởng thành.
Không bao giờ cho chó con uống sữa bò vì sữa bò chứa lượng lớn lactose và cơ thể chó không sản sinh đủ enzym để phá vỡ, sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy, khó tiêu hóa. Các giống chó lớn yêu cầu chế độ ăn uống tăng trưởng lâu dài hơn so với các giống chó nhỏ, vì vậy bạn có thể cần tiếp tục cho ăn chế độ ăn tăng trưởng cho đến khi chó  được 18 tháng tuổi, tùy thuộc vào giống chó.  
Chó trưởng thành: 

Khi chó đến tuổi trưởng thành, có thể thay đổi từ chế độ ăn uống tăng trưởng sang thức ăn bình thường cho chó trưởng thành. Có thể lựa chọn tùy ý giữa thức ăn khô hoặc thức ăn ướt, nhưng điều quan trọng là bạn phải tìm được thức ăn phù hợp, được chúng yêu thích và có thể gắn bó lâu dài. Trong trường hợp phải thay đổi chế độ ăn, hãy dần dần cho ăn thức ăn mới và giảm thức ăn cũ trong vài ngày để giảm thiểu nguy cơ bị đau dạ dày cho chó. 
Giống với chó con, việc cho chó trưởng thành ăn cũng được khuyến nghị bắt đầu với số lượng nhỏ nhất so với kích thước của chúng và chỉ tăng lượng này khi chó bắt đầu sụt cân. Khi quan sát chó từ trên cao, bạn sẽ thấy vòng eo và có thể dễ dàng cảm nhận được xương sườn của chó khi vuốt nhẹ. Trừ các giống chó như chó lông xù, chó săn xám hay nói cách khác là giống chó gầy tự nhiên thì đa số giống còn lại sẽ có các xương sườn sẽ khó được nhìn thấy. Đây cũng là cách nhanh chóng giúp xác định chó có thừa, thiếu hoặc đạt số cân chuẩn chưa. 
Chó lớn tuổi: 
Khi chó lớn hơn, nhu cầu dinh dưỡng sẽ thay đổi. Nhìn chung, chúng cần ít calo hơn và cũng có thể được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống khác nếu bắt đầu phát triển bất kỳ loại bệnh nào liên quan đến lão hóa (ví dụ như bệnh thận hoặc tim). Bác sĩ thú y có thể tư vấn về bệnh tình cụ thể nhưng nhìn chung, cần cho chó  ăn ít thức ăn hơn và nên cân nhắc thay đổi sang thức ăn hoàn chỉnh dành riêng cho chó lớn tuổi. Đây là thời điểm mà bạn cần phải theo dõi cân nặng của chó cẩn thận. Chó càng già càng không được béo hơn so với khi trưởng thành để tránh dễ bị viêm khớp hoặc rơi vào tình trạng bệnh lý tồi tệ hơn do thừa cân gây ra.

2.2 Chọn lựa thực phẩm:

Một số thực phẩm tránh béo phì cho chó:
Hành trình kiểm soát cân nặng cho chó có thể bắt đầu bằng những thực phẩm ít chất béo, nhiều chất đạm và giàu chất xơ. Vì chất đạm có khả năng kích thích quá trình trao đổi sinh hóa và tiêu hao năng lượng, mang lại cảm giác “no” để chó không cảm thấy đói ngay.  Còn các chất xơ vừa chứa ít năng lượng vừa thúc đẩy hoạt động của đường ruột. Tuy nhiên chế độ ăn uống cũng cần đáp ứng các chất xơ ở mức độ vừa phải và có thêm một số chất béo để tránh da và lông bị xấu đi trong thời gian giảm cân. Cần chọn loại thực phẩm giảm cân hợp lý cho chó. Thức ăn ướt và đóng hộp là lựa chọn tốt hơn là các loại thức ăn khô vì nó chứa hàm lượng năng lượng ít hơn và chứa nhiều nước (70%- 75%), giúp bù nước trong quá trình giảm cân.
Các loại bánh thưởng, thức ăn vặt là công cụ hỗ trợ huấn luyện hữu ích, được cả chủ nuôi lẫn thú cưng ưa thích nhưng điều quan trọng là phải theo dõi xem chó đã ăn bao nhiêu món ăn vặt trong một ngày và nó tác động đến nhiệt lượng của chúng như thế nào. Các món ăn vặt không nên nhiều hơn 10% tổng lượng calo hàng ngày. Nên hạn chế tối đa việc cho chó ăn vặt và nên cho chó ăn vặt bằng các loại thực phẩm ít năng lượng như táo, chuối, cà rốt, đậu que, thịt nạc (đã nấu chín), dưa, lê, các sản phẩm ăn vặt ít năng lượng dành riêng cho chó. Không cho chó ăn nho tươi hoặc nho khô vì có thể gây bệnh thận.
Nhiều bác sĩ thú y khuyến khích nên sử dụng các món ăn đơn thành phần như rau tươi và trái cây. Cà rốt, cần tây, bông cải xanh, đậu xanh, dưa chuột, việt quất, táo và chuối,... đều là những món ăn lành mạnh có thể góp phần tăng cường sức khỏe cho chó của bạn. 
Bạn cũng có thể theo dõi và áp dụng thực đơn thức ăn từ Pet Choy. Vì Pet Choy đã giúp bạn xác định chính xác tổng lượng calo trong khẩu phần thức ăn dựa trên yêu cầu cụ thể theo từng độ tuổi của chó (với dòng sản phẩm Tasty dành cho cún trên 12 tháng tuổi và dòng sản phẩm Protector dành cho cún dưới 12 tháng tuổi), đồng thời Pet Choy cũng đã giúp điều chỉnh lượng calo hàng ngày dựa trên nhu cầu quản lý cân nặng (với các sản phẩm Bò giữ dáng, Gà giữ dáng,...). 
Thực phẩm là chìa khóa quan trọng, nhưng sẽ không có kế hoạch giảm cân hay kế hoạch duy trì sức khỏe nào được hoàn thành nếu không có các bài tập thể dục. Thể dục đơn giản và hữu ích nhất để chó giảm cân chính là đi bộ. Đi dạo thường xuyên không chỉ rèn luyện cơ thể cho chó mà còn mang lại sự kích thích tinh thần, khả năng đánh hơi của chúng. Khi bắt đầu giảm cân, chó không nên giảm nhiều hơn 2% khối lượng cơ thể ban đầu trong một tuần (chó trên 45kg không được giảm nhiều hơn 1kg/tuần). Các bài tập giảm cân phù hợp, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chó nên được thực hiện đều đặn và lâu dài.
Nếu bạn đã thiết lập chế độ dinh dưỡng và bài tập thể dục hợp lý cho thú cưng mà vẫn không nhận thấy được những thay đổi tích cực, thì nên đưa nó đến gặp bác sĩ thú y để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Tăng cân, béo phì cũng có thể là triệu chứng của các bệnh như suy giáp và hội chứng Cushing (chứng cường vỏ thượng thận).
Khi nuôi dưỡng vật nuôi, chúng ta ai cũng mong muốn các bé ăn ngon, ăn khỏe và những chú chó béo tròn bao giờ cũng thu hút ánh nhìn bởi sự bụ bẫm, đáng yêu. Tuy nhiên điều này lại dễ dẫn đến chế độ ăn mất cân bằng và tình trạng béo phì, gây ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe và sức sống của thú cưng. Tin chắc rằng qua bài viết mà Cẩm nang Pet Choy chia sẻ, bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi đơn giản mà nan giải muôn thuở “Chó ăn gì để tránh béo phì?”. Hãy theo dõi thêm các bài viết khác từ Cẩm nang Pet Choy để bổ sung kiến thức cho cẩm nang chăm sóc cún yêu của riêng bạn nhé.

article