Nhà mình có một bé cún tên Bông, bé thông minh, hoạt bát lắm! Sáng nào bé cũng tung tăng tiễn mình đi làm rồi đón mình về nhà. Ấy vậy mà tháng trước Bông cũng “mệt lên mệt xuống” với bọn bọ chét xấu xa. Tự dưng đang yên đang lành chúng ghé thăm khiến Bông bị viêm da dị ứng cả tuần liền. Mình nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề nên đã bế bé đến bác sĩ thú y thăm khám. Trộm vía bé đã khỏi và trở về dáng vẻ vui vẻ trước kia. Nhân tiện mình cũng xin chia sẻ lại những điều bác sĩ thú y “mách nước” để chủ nuôi có thêm nhiều kiến thức khi chó cưng bị bọ chét cắn nhé!
1. Bọ chét gây hại cho chó cưng
Bọ chét là những ký sinh trùng nhỏ bé chuyên bám trên da và hút máu vật chủ. Theo thống kê, hiện tại có hơn 2.200 loài bọ chét trên thế giới, nhưng điều kỳ lạ là loài bọ chét thường gây hại cho chó nhất lại không phải là bọ chét chó mà là bọ chét mèo. Loài bọ chét này là “sát thủ” của hơn 50 loài động vật có vú và chim khác nhau, chúng có tên khoa học là Ctenocephalides felis.
Bọ chét gây hại cho chó cưng
Bọ chét trưởng thành sẽ đẻ trứng trên lông của cún cưng, một con bọ chét cái có thể đẻ tối đa 50 quả trứng một ngày và trung bình 27 quả trứng một ngày trong tối đa 100 ngày. Những quả trứng này rơi xuống đất mỗi khi chó lắc người, cào, hoặc nằm xuống. Trứng nở từ 1 đến 6 ngày sau đó thành ấu trùng, những ấu trùng này sẽ tìm cách chui sâu vào các sợi thảm, bãi cỏ, hoặc bãi đất nhà bạn rồi tự tạo thành kén sau một hoặc hai tuần. Ấu trùng phát triển bên trong kén và trở thành bọ chét, những con trưởng thành trước khi “phá kén” có thể tồn tại trong nhiều tuần và thậm chí vài tháng trong điều kiện thích hợp, đó là một trong những lý do tại sao rất khó loại bỏ bọ chét khỏi nhà.
2. Làm sao để xác định chó bị bọ chét cắn?
Làm sao để xác định chó bị bọ chét cắn?
2.1. Xác định qua vết cắn của bọ chét
Đã bao giờ chủ nuôi đặt câu hỏi: Vết cắn của bọ chét trông thế nào? Bọ chét sẽ để lại những chấm nhỏ, màu đỏ, nổi trên bề mặt da của thú cưng. Chúng thường nhỏ hơn các vết cắn của côn trùng khác và có nguy cơ bị viêm sau khi chó cào trúng. Dưới đây là một số triệu chứng khi chó của bạn bị bọn bọ chét đáng ghét tấn công mà bạn cần lưu ý:
- Tần suất ngứa và gãi tăng dần theo thời gian
- Cắn, xé vùng da có vết cắn
- Rụng lông
- Vảy
- Da đỏ, kích ứng
2.2. Tìm kiếm nơi bọ chét thường cư ngụ
Việc xác định bọ chét chỉ dựa trên vết cắn không hoàn toàn hiệu quả vì không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy những vết cắn đó. Thay vào đó bạn có thể xác định chó cưng có bị bọ chét tấn công hay không qua việc tự tìm kiếm loài ký sinh này. Bọ chét thích xâm nhập vào cổ, tai, lưng dưới, bụng và đuôi chó. Những ký sinh trùng nhỏ bé này có chiều dài khoảng từ 1 đến 3mm, cơ thể chúng có màu nâu sẫm hoặc đen sẽ giúp bạn dễ dàng nhận thấy khi chúng di chuyển, đặc biệt là trên lông hoặc da chó có màu sáng.
2.3. Xác định thông qua phân bọ chét
Nếu không thể “bắt tại trận” khi chúng đang hoạt động thì bạn có thể tìm kiếm dựa trên phân của chúng. Phân bọ chét trông giống như những hạt tiêu rải rác trên khắp các khu vực mẩn đỏ, nhiễm trùng của cơ thể vật nuôi. Những đốm này thực chất là máu đã khô, và nếu bạn đặt chúng trên một chiếc khăn giấy ẩm, chúng sẽ chuyển từ màu đen sang màu nâu và sau đó chuyển sang màu đỏ khi máu được bù nước.
3. Cách phòng tránh và xử lý bọ chét
Bị bọ chét cắn sẽ khiến vật nuôi khó chịu và có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như viêm da dị ứng, thiếu máu, sán dây. Chính vì thế chủ nuôi phải có cách phòng tránh và xử lý khi vật nuôi của mình đã, đang và sẽ có nguy bị bọ chét “quấy rầy”
Cách phòng tránh và xử lý bọ chét ở chó
3.1. Đưa chó đến bác sĩ thú y
Viêm da dị ứng do bọ chét rất khó chịu, bạn nên đưa chó cưng đến gặp bác sĩ thú y vì họ sẽ có đủ chuyên môn để kiểm soát, thăm khám nhằm ngăn chặn vùng da bị viêm nhiễm lây lan sang các khu vực khác cũng như lên kế hoạch loại bỏ bọ chét cho vật nuôi của bạn. Quá trình diệt bọ chét sẽ mất khá nhiều thời gian và chúng sinh sôi rất nhanh, chính vì thế khi phát hiện nhà có bọ chét bạn phải tiêu diệt ngay.
3.2. Chải lông cho thú cưng
Cách tốt nhất để tìm kiếm bọ chét và bụi bẩn của bọ chét là chải lông cho thú cưng của bạn bằng lược chải bọ chét. Những chiếc lược có răng mảnh giúp lấy bọ chét và bụi bẩn của bọ chét, giúp bạn dễ dàng phát hiện bằng chứng về hoạt động của bọ chét trên vật nuôi của mình.
3.3. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Khi nói đến bọ chét, phòng ngừa chắc chắn là lựa chọn tốt nhất. Trên các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về các loại thuốc viên, vòng cổ và các đơn thuốc theo toa giúp chó cưng tránh xa bọ chét. Những loại thuốc phòng ngừa này sẽ bảo vệ thú cưng và ngôi nhà của bạn khỏi sự xâm nhập của bọ chét. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y, không tự ý mua thuốc bên ngoài hay áp dụng các biện pháp dân gian để tránh tình trạng chó bị kích ứng, tình trạng viêm da dị ứng do bọ chét nặng thêm.
Với những chia sẻ trên đây, mình hy vọng sẽ giúp chủ nuôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc và nuôi dạy thú cưng. Chúc chó cưng nhà bạn luôn khỏe mạnh nhé! Hãy cùng đón chờ những bài viết tiếp theo xem Pet Choy sẽ bật mí những bí mật gì bạn nhé!