1. Tại sao nên tẩy giun cho mèo?
Cũng giống như đối với người, mèo cần được tẩy giun định kỳ thường xuyên. Bởi vì, mọi con mèo đều có thể bị nhiễm giun sán vào một vài thời điểm nào đó trong đời. Ngay cả khi một chú mèo trông có vẻ khỏe mạnh cũng không có nghĩa là nó không bị nhiễm giun. Thông thường, việc nhiễm giun sán ở mèo là một vấn đề có thể kiểm soát được, bằng cách tẩy giun định kỳ, vì vậy, hãy kiểm soát vấn đề giun sán ở mèo trước khi có hậu quả đáng tiếc.
2. Nếu bạn không tẩy giun định kỳ cho mèo, điều gì sẽ xảy ra?
Tùy thuộc vào mức độ nhiễm giun và tùy thuộc vào loại giun, có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng như tắc ruột, tắc nghẽn máu trong tim, viêm động mạch, thiếu máu, thậm chí tử vong nếu không được điều trị. Các dấu hiệu nhiễm giun ở mèo ban đầu cần chú ý như sau: chậm lớn và bụng căng phồng nếu là mèo con, bộ lông xỉn màu và dễ gãy, tăng cảm giác thèm ăn, sụt cân, ho và thở bất thường, nôn mửa và tiêu chảy (trong phân có thể chứa toàn bộ hoặc một số mảnh giun), máu trong phân. Dấu hiệu nhận biết sán dây ở mèo là những mảnh giun nhỏ màu trắng ở phần lông xung quanh hậu môn.
Mèo con nhiễm giun sán bụng căng phồng
3. Mèo nhiễm giun từ đâu?
Trong suốt cuộc đời của mèo, ký sinh trùng gây ra rủi ro theo nhiều cách khác nhau và chúng ta cần ý thức được điều này để bảo vệ mèo của mình đúng cách. Mèo có thể bị nhiễm giun sán từ nhiều nguồn hơn bạn nghĩ đấy nhé!
Mèo con nhiễm giun từ mèo mẹ
Sau khi chào đời, mèo con có thể bị nhiễm giun qua sữa mẹ, do ấu trùng giun đũa toxocara có thể tìm đường vào ống dẫn sữa. Do mèo mẹ là nguồn lây nhiễm giun sán thường xuyên cho mèo con nên cần phải tẩy giun định kỳ hai tuần một lần cho đến khi mèo con cai sữa.
Mèo nhiễm giun từ môi trường sống
Mèo nhiễm giun đũa toxocara khi thải phân sẽ thải luôn trứng của loài giun này qua phân của chúng và ấu trùng có thể tiếp tục phát triển ở môi trường bên ngoài. Nếu một con mèo khỏe mạnh ăn phải ấu trùng, chúng cũng sẽ bị nhiễm giun. Cỏ, thức ăn và nước bị ô nhiễm có thể lây nhiễm giun, vì vậy cần phải dọn dẹp sạch sẽ chất thải của mèo.
Mèo có thể nhiễm giun khi chơi ngoài vườn
Mèo mẹ khi cho con bú cũng thường bị tái nhiễm giun trong lúc chúng làm vệ sinh cho mèo con, và vòng đời của giun sẽ lại tiếp tục cho đến khi được truyền lại qua sữa cho mèo con. Một vòng lẩn quẩn rắc rối phải không nào?
Mèo bị nhiễm giun từ con mồi
Những chú mèo chăm chỉ săn mồi có nguy cơ nhiễm giun cao hơn, vì những động vật nhỏ như thỏ hay động vật gặm nhấm đóng vai trò trung gian truyền nhiễm nhiều loại giun đũa và sán dây rất nguy hiểm.
Mèo có thể nhiễm giun sán từ con mồi
Theo trang Cats Protection (Anh), giun phổi hiện đang là một nguy cơ ngày càng tăng ở Anh và mèo có thể bị nhiễm giun phổi do ăn sên và ốc sên. Nếu mèo của bạn có khả năng nhiễm giun phổi, hãy nghe ý kiến của bác sĩ thú y để xác định phương pháp điều trị cẩn thận đối với loại giun này, vì những con giun phổi trưởng thành có thể sống trong tim của mèo, điều này cực kỳ nguy hiểm. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y bạn nhé, vì chúng ta không thể loại bỏ giun phổi ở mèo bằng loại thuốc tẩy giun không kê đơn thông thường.
Mèo bị nhiễm giun từ bọ chét
Các phương pháp điều trị bọ chét thường đi đối với việc tẩy giun. Bọ chét ăn trứng giun sán và mang theo ấu trùng của của loại sán dây phổ biến nhất. Nếu một con mèo vô tình nuốt phải bọ chét khi đang chải lông hoặc săn mồi, chắc chắn nó sẽ nhiễm giun.
Mèo nhiễm giun từ thức ăn
Một số loại sán dây khác như sán dây taenia ngủ đông trong các nang bên trong mô cơ của vật chủ trung gian. Nếu mèo được cho ăn thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín, loại sán này có thể còn sống và làm cho mèo bị nhiễm giun.
Mèo có thể nhiễm giun khi ăn thịt sống
4. Bao lâu nên tẩy giun cho mèo một lần?
Mèo trưởng thành có thể nhiễm nhiều loại giun hơn và tùy thuộc vào lối sống của chúng, mèo có thể cần tẩy giun mỗi tháng một lần hoặc ba tháng một lần. Nếu bạn nuôi mèo trong nhà và mèo của bạn hạn chế tiếp cận với động vật hoang dã, cũng ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì nên tẩy giun ba tháng một lần để phòng ngừa, miễn là mèo không có bọ chét.
Những con mèo dành nhiều thời gian chạy nhảy bên ngoài để săn mồi hoặc thích nghịch ngợm vui chơi trong vườn sẽ có nhiều khả năng nhiễm giun hơn, vì vậy, chúng cần được tẩy giun mỗi tháng một lần, đi đôi với việc điều trị bọ chét thường xuyên.
Mèo sống thành đàn gồm nhiều con cũng cần được tẩy giun thường xuyên hơn, vì nguy cơ nhiễm giun đũa từ môi trường sống sẽ cao hơn.
Qua những thông tin trên đây, Pet Choy tin rằng bạn đã hiểu được mức độ nguy hiểm của việc nhiễm giun sán ở mèo và tầm quan trọng của việc tẩy giun định kỳ cho mèo. Hãy yêu thương và chăm sóc mèo cưng của mình đúng cách nhé!