Sức khỏe

MÈO BỊ NGỘ ĐỘC: DẤU HIỆU VÀ CÁCH XỬ LÝ

MÈO BỊ NGỘ ĐỘC: DẤU HIỆU VÀ CÁCH XỬ LÝ

Cũng là người yêu động vật và là “mẹ” của hai em mèo, mình thấu hiểu nỗi lòng của chủ nuôi mỗi khi mèo cưng ốm vặt hoặc đổ bệnh mà chẳng biết nguyên nhân. Cách đây một năm, em Bí (tên em mèo nhà mình) bị ngộ độc thực phẩm khiến mình rất sợ hãi, em có những dấu hiệu bỏ ăn, co giật, thậm chí sùi bọt mép. Lúc đó mình hoảng quá chừng, mình chẳng biết làm sao để giúp em. May là cùng trọ mình có nhỏ bạn học chuyên ngành thú y nên mách mình cách sơ cứu và đưa em đến trạm thú y. Đã một năm trôi qua nhưng mình vẫn nhớ rõ cảm xúc của bản thân hôm đó: hoang mang, lo lắng, sợ hãi, thậm chí rơi nước mắt. Mình không muốn bạn nào rơi vào trường hợp “gà mờ” như mình nên mình đã cặm cụi viết bài này. Bạn xem cùng mình nhé! 

1. Dấu hiệu mèo bị ngộ độc 

Mèo bị ngộ độc do nhiều nguyên nhân, tùy từng loại chất độc khác nhau mà tình trạng sức khỏe sẽ chuyển hóa từ nhẹ đến nặng. Cụ thể, nhiều chất độc tạo ra các dấu hiệu tiêu hóa (nôn mửa và tiêu chảy), một số khác tạo ra các dấu hiệu thần kinh (run rẩy, mất nhận thức, co giật, trầm cảm hoặc hôn mê). Ngoài ra còn có các dấu hiệu hô hấp (ho, hắt hơi, khó thở), các dấu hiệu về da (viêm, sưng), chức năng gan suy giảm (vàng da, nôn mửa) hoặc suy thận (uống nhiều hơn, lười vận động và sụt cân). Đồng thời cũng xuất hiện những dấu hiệu bên ngoài như da, miệng, cổ họng và móng sưng đỏ, nổi mụn nước, chảy nhiều nước dãi. Một số chất độc hoạt động ở nhiều bộ phận trên cơ thể mèo cưng, gây ra nhiều triệu chứng khác nhau khiến mèo cưng mệt mỏi. Điều quan trọng chủ nuôi cần nhớ là hầu hết các trường hợp ngộ độc sẽ gây ra các vấn đề cấp tính, tuy nhiên nhiễm độc mãn tính cũng có thể phát sinh, và thường khó nhận biết và điều trị hơn.

Dấu hiệu mèo bị ngộ độc 

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến mèo bị ngộ độc là nguồn thức ăn kém chất lượng hay các chất gây kích ứng xung đột với dạ dày của mèo cưng. Bên cạnh đó, mèo là động vật ăn thịt nhưng mèo lại thiếu một số enzym gan nhất định, không thể phân hủy một số chất, cản trở quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa. Một số loại thực phẩm khô, ít nước cũng khiến mèo ngộ độc. Ngoài ăn trực tiếp, mèo cũng có thể bị ngộ độc gián tiếp khi ăn phải con mồi nhiễm độc; hít phải khí độc; chất độc thẩm thấu qua lông mèo; ngộ độc thuốc xịt rận, thuốc giảm đau,... 

2. Những cách xử lý khi mèo ngộ độc 

Những cách xử lý khi mèo ngộ độc 

2.1. Gọi ngay cho bác sĩ thú y

Khi phát hiện mèo cưng có dấu hiệu ngộ độc, bạn hãy giữ bình tĩnh và liên hệ ngay với bác sĩ thú y, bởi ngộ độc không phải bệnh nhẹ, ngược lại nó còn đe dọa đến tính mạng của mèo cưng, chủ nuôi không nên lơ là. Lúc này, bác sĩ thú y sẽ hướng dẫn bạn cách sơ cứu trước khi đưa mèo cưng đến trạm thú y. Phương pháp phổ biến nhất là gây nôn - quyết định 80% khả năng sống sót của mèo khi bị ngộ độc thức ăn. Chủ nuôi cũng thu gom những vật dụng tiếp xúc gần thú cưng (thức ăn thừa, đồ chơi,...) đến trạm thú y để bác sĩ kiểm nghiệm và tìm ra nguyên nhân chính xác nhất. 

2.2. Thực hiện các bước sơ cứu nếu bác sĩ thú y yêu cầu

Sau khi trao đổi với bác sĩ thú y, nếu được bác sĩ yêu cầu và hướng dẫn, bạn thực hiện các bước sơ cứu khẩn cấp để giảm thiểu khả năng tử vong. Không tự ý sơ cứu theo các mẹo vặt dân gian. Cố gắng tìm bao bì các chất mà mèo đã nuốt hoặc tên cây/hoa mà mèo đã nhai, có thể cắt nhánh cây/hoa đó để đem đến cho bác sĩ thú y để chẩn đoán chính xác hơn.

2.3. Xử lý theo từng trường hợp khác nhau 

Vòng cổ của mèo nên được tháo ra vì nó có thể đã bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, một số vòng cổ cũng là nơi lưu trú của bọ chét - tác nhân gây hại cho mèo. Nếu chất độc bám trên lông hoặc móng, hãy cố gắng ngăn mèo chạm hay ngọ nguậy vào lông của chúng. Để loại bỏ hóa chất khỏi lông, cách tốt nhất là cắt bỏ phần lông bị nhiễm bẩn, sau đó tắm mèo với nước ấm và một ít xà phòng. Điều quan trọng là phải loại bỏ càng nhiều chất nhiễm bẩn càng tốt trước khi rửa vì quá trình rửa có thể làm tăng sự hấp thụ của một số hóa chất. Sau đó, mèo phải được lau khô người nhanh chóng để tránh bị lạnh. 

2.4. Dọn rửa khu vực xung quanh 

Nếu nhà bạn có nhiều mèo thì đây là bước không thể thiếu, những vi khuẩn, nấm mốc có thể sinh sôi cực nhanh chóng và lây sang những con khác. Cách tốt nhất là bạn nên lau rửa chuồng sạch sẽ, xịt khử khuẩn và mang chăn đệm, đồ dùng của mèo giặt sấy, phơi ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Song song đó, chủ nuôi cũng cần cách ly những con mèo khỏe mạnh khỏi mèo bệnh để vi rút không có cơ hội xâm nhập, tấn công hệ miễn dịch của chúng. 
Mình mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào hữu ích cho bạn trong hành trình nuôi dạy mèo cưng. Chúc các bé mèo cưng của bạn luôn vui khoẻ nhé!
 

article