Sức khỏe

BỆNH VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI Ở MÈO: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

BỆNH VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI Ở MÈO: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) không phải là một căn bệnh cụ thể mà là một thuật ngữ dùng để mô tả các tình trạng có thể ảnh hưởng đến bàng quang tiết niệu và/hoặc niệu đạo (đường tiết niệu dưới) của mèo.

Nguyên nhân cho các dấu hiệu lâm sàng của các rối loạn về đường tiết niệu ở mèo rất khó xác định nếu không được kiểm tra kỹ càng. Một số con mèo phát triển bệnh mà không có bất kỳ nguyên nhân cơ bản rõ ràng nào – hiện tượng này được gọi là ‘viêm bàng quang kẽ’ hay ‘viêm bàng quang vô căn ở mèo’ (FIC).

Sau đây, hãy cùng Pet Choy điểm qua một số thông tin cơ bản về dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo nha!

1. Dấu hiệu bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD)

Mèo bị bệnh viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD) thường có những triệu chứng sau đây:

- Chứng khó tiểu: mèo đi tiểu khó khan hoặc đau, mèo bị căng thẳng khi đi tiểu và đôi khi có thể kêu lên tiếng do bị đau.

- Đi tiểu thường xuyên: số lần mèo đi tiểu tăng lên do nhiễm trùng/viêm bàng quang và niệu đạo gây kích ứng và làm mèo muốn đi tiểu thường xuyên hơn. Nước tiểu có thể có mùi hôi hoặc đục màu.

- Tiểu ra máu: hiện tượng nỳ có thể xảy ra do nhiễm trùng/viêm. Máu trong nước tiểu có thể ở dạng vi thể (chỉ bác sĩ thú y mới có thể phát hiện được qua các xét nghiệm) hoặc nghiêm trọng hơn, bạn có thể thấy nước tiểu chuyển màu đỏ.

- Đi tiểu ở những nơi bất thường: mèo đi tiểu ở bên ngoài khay cát, tiểu ở những nơi mà bình thường mèo không đi tiểu. Điều này xảy ra do bàng quang hoặc niệu đạo bị đau, rát và viêm khiến mèo phải đi tiểu gấp, và vì vậy mèo không có đủ thời gian đến khay cát hoặc đến nơi mèo thường đi tiểu.

- Mèo chải lông và liếm vùng sinh dục quá mức: do bàng quang và niệu đạo bị đau và kích thích, một số con mèo có thể sẽ chải lông và liếm quanh vùng sinh dục của chúng. Điều này có thể gây ra rụng lông ở khu vực đó.

- Thay đổi hành vi: một số con mèo có thể thay đổi hành vi và trở nên hung hăng, cáu kỉnh.

- Tiểu buốt: đây là thuật ngữ dùng để mô tả sự tắc nghẽn ở niệu đạo, mèo cố gắng đi tiểu nhưng không thể tiểu được. Điều này chủ yếu gặp ở mèo đực, vì niệu đạo của chúng dài hơn và hẹp hơn ở mèo cái, do đó dễ bị tắc hơn. Mặc dù không phổ biến nhưng nếu hiện tượng này xảy ra, bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay lập tức.

viem-duong-tiet-nieu-duoi-o-meo

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo

2. Những con mèo nào dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD) nhất?

Theo International Cat Care (ICC) (Anh) thống kê, bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) ảnh hưởng đến khoảng 1-3% số mèo mỗi năm, do đó, bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) là một trong những bệnh phổ biến. Do tính chất đa dạng của các nguyên nhân cơ bản, mèo ở mọi lứa tuổi, mọi giống và mọi giới tính đều có thể bị bệnh viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD), nhưng nói chung, bệnh này sẽ phổ biến hơn ở những con mèo già, mèo bị béo phì, mèo ít được ra ngoài, mèo ít vận động/tập thể dục, mèo ăn chế độ ăn khô.

viem-duong-tiet-nieu-duoi-o-meo

Hạn chế cho mèo ăn hạt khô

3. Nguyên nhân khiến mèo bị bệnh viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD)

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) như sau:

- Sỏi niệu: đây là thuật ngữ dùng để chỉ sỏi bàng quang. Cũng giống như ở người, mèo có thể phát triển sỏi trong bàng quang. Hai loại sỏi phổ biến nhất (được xác định theo thành phần của chúng) là ‘magiê amoni photphat’ (hoặc ‘struvite’) và ‘canxi oxalat’. Theo ICC, hai loại sỏi này chiếm 80-90% các trường hợp sỏi niệu và sỏi niệu thường chiếm khoảng 10-15% các trường hợp bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD).

- Nhiễm khuẩn: viêm bàng quang do vi khuẩn (nhiễm khuẩn bàng quang) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở nhiều loài động vật, nhưng tương đối ít phổ biến ở mèo. Theo số liệu thống kê của ICC, nhiễm khuẩn chiếm khoảng 5-15% tất cả các trường hợp bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD). Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn thường gặp ở mèo già.

- Nút thắt niệu đạo: tắc nghẽn niệu đạo ở mèo được có thể xảy ra do ‘nút thắt niệu đạo’ - đây là nơi tích tụ các protein, tế bào, mảnh vụn trong nước tiểu, gây ra tắc nghẽn. Các nguyên nhân khác của tắc nghẽn niệu đạo có thể là do sỏi bàng quang nhỏ bị mắc kẹt trong niệu đạo hoặc cơ thắt cơ nghiệm trọng của niệu đạo (có thể xảy ra khi bị viêm/kích ứng nghiêm trọng).

- Các khiếm khuyết về giải phẫu: đôi khi khiếm khuyết ở đường tiết niệu dưới có thể gây ra các dấu hiệu của bệnh. Thông thường, hiện tượng này xảy ra khi mèo có một vết thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến niệu đạo. Nếu niệu đạo bị tổn thương, trong quá trình chữa bệnh, các mô xơ có thể phát triển làm hạn chế đáng kể đường kính của niệu đạo. Khi điều này xảy ra, mèo có thể sẽ khó đi tiểu hơn bình thường.

- Bệnh ung thư: mặc dù không phổ biến, vẫn cần xem xét khả năng có khối u (ung thư) ảnh hưởng đến bàng quang hoặc niệu đạo ở mèo. Khối u bàng quang phổ biến nhất được gọi là ‘ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp’.

- Viêm bàng quang vô căn (FIC): có đến 60-70% mèo mắc bệnh viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD) được chẩn đoán là bị ‘viêm bàng quang vô căn’ – một thuật ngữ chỉ tình trạng bàng quang bị viêm nhiễm mà không rõ nguyên nhân.

viem-duong-tiet-nieu-duoi-o-meo

Mèo đực thường dễ bị tắc nghẽn niệu đạo hơn mèo cái

4. Chẩn đoán bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD)

Một số bước xét nghiệm chẩn đoán được áp dụng cho bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) như sau:

- Phân tích nước tiểu: thu thập một mẫu nước tiểu của mèo để phân tích (kiểm tra bằng kính hiển vi và thực hiện nuôi cấy vi khuẩn để loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn). Bác sĩ thú y có thể lấy mẫu nước nước tiểu bằng cách đặt một cây kim rất nhỏ trực tiếp vào bàng quang (một kỹ thuật được gọi là ‘cystocentesis’). Đây là phương pháp tốt để lấy mẫu nước tiểu vì nó không bị nhiễm vi khuẩn từ nơi khác. Đây là một quy trình dễ dàng và hầu hết mèo thậm chí không nhận biết được khi bác sĩ thú y đang thực hiện.

- Chụp X-quang: chụp X-quangg bàng quang và niệu đạo đặc biệt hữu ích trong việc xác định một số nguyên nhân. Một số sỏi bàng quang có thể dễ dàng xác định trên X-quang, nhưng trong một số trường hợp ‘chụp X-quang cản quang’ cũng cần thiết.

- Siêu âm: kiểm tra bàng quang bằng siêu âm cũng có thể giúp xác định sỏi bàng quang, dày thành bàng quang, v.v…

- Sinh thiết: đôi khi, có thể cần lấy sinh thiết (mẫu mô) thành bàng quang của mèo, đặc biệt nếu nghi ngờ mèo có khối u tiềm ẩn.

5. Cách điều trị bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD)

- Liệu pháp kháng sinh thường là một lựa chọn cho nhiễm trùng đường tiết niệu dưới do vi khuẩn. Vì bệnh viêm bàng quang do vi khuẩn tương đối ít phổ biến ở mèo, nên kháng sinh chỉ nên được sử dụng khi có nghi ngờ nhiễm vi khuẩn hoặc trong trường hợp nhiễm khuẩn đã được chứng minh bằng phân tích và nuôi cấy mẫu nước tiểu.

- Nếu mèo bị tắc nghẽn niệu đạo, cần phải điều trị khẩn cấp để loại bỏ tắc nghẽn. Điều trị tắc nghẽn niệu đạo thường liên quan đến việc đặt ống thông, là một đường dẫn của một ống hẹp lên niệu đạo, nhưng các thủ thuật khác đôi khi cũng cần thiết vì cách này gây đau đớn cho mèo và cố gắng loại bỏ phần tắc nghẽn ở mèo còn tỉnh táo sẽ có nguy cơ gây tổn thương đáng kể cho niệu đạo. Sau khi tình trạng tắc nghẽn đã thuyên giảm, việc điều trị tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mèo.

- Nếu mèo có sỏi bàng quang hoặc niệu đạo, sỏi sẽ phải được loại bỏ. Tùy thuộc vào loại sỏi, như sỏi struvite có thể được hòa tan bằng cách áp dụng chế độ ăn uống đặc biệt. Bác sĩ thú y có thể làm cho sỏi trôi qua bằng cách rửa bàng quang bằng chất lỏng vô trùng. Nếu sỏi không trôi ra bằng cách này hoặc nếu sỏi tái phát, có thể cần phải loại bỏ sỏi thông qua phẫu thuật. Một số loại sỏi (chẳng hạn như canxi oxalat) không thể tan và do đó luôn cần phải phẫu thuật để loại bỏ chúng.

Bất kể có thực hiện phẫu thuật hay không, việc áp dụng một chế độ ăn uống đặc biệt từ bác sĩ thú y sẽ hữu ích trong việc tránh tái phát sỏi bàng quang. Ngoài ra, cho mèo ăn chế độ ăn ướt thay vì chế độ ăn khô sẽ giúp tăng lượng nước hấp thụ và cũng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh tái phát.

- Viêm bàng quang vô căn ở mèo (FIC): Việc xử lý FIC phức tạp hơn, vì nguyên nhân cơ bản chưa được hiểu đầy đủ. Mặc dù vậy, vẫn cần áp dụng một số phương pháp quan trọng, bao gồm tăng lượng nước uống cho mèo và giảm căng thẳng về môi trường.

- Khối u bàng quang/ung thư ở mèo: May mắn thay, khối u bàng quang rất hiếm ở mèo. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là khối u phổ biến nhất được thấy và chủ yếu xuất hiện ở mèo già. Thường đến khi các dấu hiệu lâm sàng phát triển thì bệnh đã khá nặng và hiếm khi có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Hóa trị có thể hữu ích trong việc giảm kích thước khối u và cải thiện chất lượng cuộc sống cho mèo, và trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như piroxicam hoặc meloxicam dường như rất hữu ích. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp dường như là một trong những khối u thường đáp ứng với liệu pháp NSAID, và đôi khi có thể thấy sự cải thiện rõ rệt (mặc dù những loại thuốc này không thể chữa khỏi bệnh và cuối cùng nó sẽ tái phát).

Không có phương pháp điều trị chung cho mèo bị viêm đường tiết niệu dưới (FLUTD). Mỗi trường hợp phải được xác định nguyên nhân cơ bản và sau đó điều chỉnh phương pháp điều trị viêm tiết niệu phù hợp với từng con mèo. Đôi khi mặc dù có các xét nghiệm và điều trị thích hợp, các dấu hiệu lâm sàng vẫn có thể tái phát, cần xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị thêm.

6. Cách phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD)

Theo những thông tin ở trên, các bạn có thể thấy bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) khá phổ biến và bệnh này gây ra đau đớn, khó chịu cho mèo cưng của bạn. Tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD), nhưng để phòng tránh, ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, các bạn có thể áp dụng một số phương pháp như sau:

- Cho mèo ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên thay vì một bữa lớn/nhiều.

- Quản lý cân nặng một cách hợp lý, khuyến khích mèo tập thể dục, vận động.

- Cho mèo ăn thức ăn ướt nhiều hơn để cung cấp lượng nước thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt nên bổ sung pate tươi cho mèo.

- Hạn chế cho mèo ăn hạt khô.

- Cung cấp nước sạch, nước ngọt mọi lúc cho mèo.

- Để khay cát vệ sinh của mèo ở những khu vực yên tĩnh, an toàn.

- Giữ nhà vệ sinh cho mèo sạch sẽ.

- Giảm thiểu những thay đổi lớn trong cuộc sống của mèo.

meo-an-pate-tuoi-phong-benh

Cho mèo ăn pate tươi thay vì hạt khô để phòng tránh bệnh viêm đường tiết niệu

Pet Choy hy vọng rằng, qua những chia sẻ trên đây, các bạn đã hiểu thêm về bệnh viêm đường tiết niệu dưới ở mèo (FLUTD) và biết cách chăm sóc hợp lý, giúp các bé mèo giảm nguy cơ mắc bệnh. Pet Choy chúc các bạn và các bé mèo luôn khỏe mạnh để có nhiều thời gian vui vẻ bên nhau nhé!

article