Sức khỏe

CHÓ BỊ NẤM: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHỮA TRỊ?

CHÓ BỊ NẤM: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHỮA TRỊ?

Từ lâu, nấm da đã không còn là một căn bệnh xa lạ trong từ điển của những người nuôi thú cưng, đặc biệt là những người nuôi chó. Mặc dù không phải là một căn bệnh mới xuất hiện ở chó, bệnh nấm da vẫn khiến chúng ta đau đầu khi phải tìm kiếm các phương pháp để có thể chữa trị dứt điểm cho thú cưng của mình. Tuy bệnh nấm da không tác động quá tiêu cực đến sức khỏe của chó song nó lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ, hạ cấp "nhan sắc" của chú chó cưng. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh, hãy cùng tôi tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục nó nhé. 

Chó mắc bệnh nấm. Nguồn: Internet

 

1, Nấm da là gì?

Nấm da hay còn gọi là bệnh viêm da Malassezia do vi nấm Malassezia pachydermatis tạo nên. Loại nấm men này thường được tìm thấy trên da của chó, tuy nhiên, sự phát triển quá mức của chúng sẽ gây các vấn đề về da điển hình như viêm da. Trên thực tế đây là một bệnh ngoài da cực kỳ phổ biến ở thú cưng và có khả năng lây sang người. Thông thường, những triệu chứng ban đầu của bệnh khá khó nhận biết, tuy nhiên người nuôi có thể thường xuyên chú ý kiểm tra để phát hiện tình trạng của thú cưng nhà mình. 

 

Nấm da ở chó. Nguồn: Internet

Các dấu hiệu dễ thấy của nấm da thường xuất hiện ở chó có thể bao gồm:

  • Rụng lông, đóng vảy ban đỏ, sần

  • Ngứa đỏ 

  • Da có dấu hiệu tăng sắc tố

  • Viêm tai ngoài mãn tính hoặc tái phát hoặc nhiễm trùng tai

 

2, Nấm da ở chó xuất phát từ đâu?

Để trả lời cho câu hỏi này, VCA hospitals Animal đã có nghiên cứu và giải thích cho rằng da của thú cưng là nơi có chứa vô số vi khuẩn và nấm, tuy nhiên đối với những chú chó khỏe mạnh, bình thường thì những vi khuẩn và nấm sẽ đều được kiểm soát bởi hệ thống miễn dịch. Ngược lại, nếu hệ thống miễn dịch của chúng bị ức chế thì những vi khuẩn và nấm này có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng ở da. 

 

Vết nấm ở chó. Nguồn: Internet

 

Lí do chủ yếu gây nên tình trạng này là do sự gia tăng lượng dầu đột ngột trên da của chó khiến cho phần lông của chúng luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Theo thời gian, tình trạng này được lặp lại nhiều lần kèm theo vệ sinh kém sẽ gây ra nấm trên cơ thể. Đây chính là một trong những lí do khiến chúng thường xuyên gặp những vấn đề liên quan đến da. Bên cạnh đó, nấm da cũng có thể xuất phát từ một nguyên nhân khác là niêm mạc tăng tiết bã nhờn. Việc tăng tiết bã nhờn ở niêm mạc cũng vô tình gây ra tình trạng dầu thừa trên da của thú cưng. Chính vì vậy nếu tình trạng này không thể kiểm soát được một cách dứt điểm, thì nấm có thể kéo dài, tái phát thường xuyên. 

 

Ngoài những lí do tôi đã chia sẻ bên trên, bệnh nấm cũng xuất phát từ những yếu tố khác có thể kể đến như sau:

 

2.1, Đặc điểm giống loài của chó

Nấm da là bệnh có có thể xuất hiện ở mọi giống tuy nhiên đối với một vài giống chó có bộ lông dài, rậm, ưa lạnh thì chúng thường có xu hướng dễ bị nhiễm bệnh hơn so với số còn lại. Một số giống chó điển hình như: chó Chihuahua, chó Poodle, chó sục trắng cao nguyên phía tây,... là những giống có tỉ lệ mắc nấm cao hơn những loại lông ngắn khác.

Chó Poodle. Nguồn PetChoy

 

Đặc biệt đối với những chú chó có bộ lông dày khi phải thường xuyên sống trong môi trường có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam sẽ dễ tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi nhiều hơn. Thú cưng sống trong môi trường có nhiệt độ cao hay ẩm thấp sẽ cần phải đối mặt với tình trạng ẩm ướt của phần da lông từ đó kéo theo quá trình vệ sinh cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có thể thấy những bộ lông dày sẽ là một vấn đề lớn, phức tạp hơn và gây nhiều trở cho người nuôi trong thời gian điều trị bệnh.

 

2.2, Độ tuổi của chó

Bên cạnh yếu tố về giống loài, độ tuổi của chúng cũng là một trong những yếu tố góp phần vào nguyên nhân gây bệnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nấm da thường xuất hiện nhiều ở những chú chó con dưới 6 tháng tuổi hơn là những chú chó trưởng thành. Trong đó các “bé” có nhiều khả năng bị lây nhiễm từ chó mẹ hay các anh em trong đàn. 

Chó già. Nguồn: Internet

 

Ngoài ra không chỉ đối với những bé chó “nhỏ tuổi”, những chú chó già cũng rất dễ có khả năng nhiễm mầm bệnh này. Lí do cả hai độ tuổi này đều dễ dàng mắc phải bệnh nấm da là do sức đề kháng của bộ lông chúng không được tốt khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, phát triển, sinh sôi từ đó tăng khả năng bị nấm ở chúng. Đặc biệt đối với những chú chó già khi điều trị bệnh nấm sẽ thường có phản ứng đáp ứng thuốc chậm hơn khiến cho quá trình chữa trị tốn nhiều thời gian hơn, và có nhiều khả năng trở thành bệnh mãn tính.

 

2.3, Tắm cho chó quá nhiều

Ngoài những lí do trên thì một trong những lỗi sai lớn gây nên bệnh nấm da ở chó mà người nuôi thường mắc phải đó chính là việc tắm cho chúng quá nhiều. Nhiều người cho rằng cần phải giữ cho chó cưng sạch sẽ hơn bằng việc tắm cho chúng thường xuyên thậm chí mỗi ngày. Tuy nhiên suy nghĩ này hoàn toàn sai lệch thậm chí còn làm tăng khả năng mắc bệnh nấm ở chó. Việc tắm rửa thường xuyên cho chúng sẽ khiến làn da trở nên nhạy cảm hơn, mất đi chất nhờn đóng vai trò giữ ẩm trên da từ đó khiến da bị tổn thương, yếu dần và mất đi sức đề kháng với các loại vi khuẩn. Đây chính là lí do tại sao dù luôn sạch sẽ nhưng thú cưng của bạn vẫn mắc bệnh.

 

Tắm cho chó quá nhiều lần có thể gây nấm. Nguồn: Internet

 

Hơn thế nữa, việc tắm rửa thường xuyên cho chó nhưng không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và khô ráo sau khi tắm cũng có thể khiến tình trạng bệnh nấm da của chúng trở nên nặng hơn nhiều. Chính vì lí do này người nuôi chó cần chắc chắn rằng thú cưng của mình đã được tắm rửa sạch sẽ và sấy khô từ chân lông nhằm tránh kéo dài tình trạng của bệnh.

 

3, Nấm da điều trị như thế nào?

Cuối cùng để điều trị dứt điểm nấm da ở thú cưng bạn cần tránh cho chó tiếp xúc với những môi trường ẩm mốc trong suốt khoảng thời gian điều trị. Ngoài ra, nhằm giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn bạn cần phải cắt, cạo hoặc tỉa bớt lông của chúng để có thể kiểm soát tình trạng sức khỏe của chúng. Đồng thời bạn nên cho chúng tới các cơ sở thú y để thăm khám và theo dõi sức khỏe của chúng theo định kỳ. 

 

Điều trị nấm để giúp chó khỏe mạnh. Nguồn: PetChoy

 

Hiện nay, có thể điều trị bệnh nấm da ở chó bằng hai cách phổ biến là tắm thuốc và sử dụng thuốc. Bạn có thể lựa chọn một trong hai phương án để điều trị tuy nhiên tùy vào mức độ tình trạng của bệnh, bạn có thể kết hợp cả hai để đạt kết quả tốt nhất.

 

Tắm thuốc

Đây là một trong những phương pháp phổ biến được nhiều cơ sở thú y lựa chọn. Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc để vệ sinh cho thú cưng nhằm điều trị tình trạng nấm vẫn còn khá nhẹ và mới chớm bệnh. Trong nhiều trường hợp, thú cưng có làn da quá nhờn sẽ cần làm sạch trước bằng sữa tắm có chứa selen sulfide hoặc benzoyl peroxide. Sau đó chúng sẽ được tắm lần hai bằng thuốc chống nấm có chứa chlorhexidine, miconazole hoặc ketoconazole. 

 

Tắm thuốc định kì để điều trị bệnh nấm. Nguồn: Internet

 

Khi lựa chọn sử dụng phương pháp này người nuôi phải lưu ý thuốc chống nấm cần được tiếp xúc với da tối thiểu 10 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó người nuôi còn cần đảm bảo việc này sẽ được duy trì lặp lại theo chu kì sau khoảng 3-5 ngày và liên tục trong vòng 2 đến 12 tuần. Đối với những trường hợp thú cưng bị viêm tai hoặc chỉ gặp một đến hai vết nấm trên da, người nuôi có thể sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da được kê đơn để sử dụng hàng ngày cho chúng.

 

Sử dụng thuốc dạng uống:

Trong các trường hợp thú cưng gặp tình trạng viêm da nấm men nặng hơn và có dấu hiệu mãn tính hoặc dai dẳng, chúng ta cần cho chúng sử dụng thuốc chống nấm. Những chú chó khi bị nấm gặp tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn sẽ cần phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh. Để điều trị nhiễm trùng cho chó, chủ nuôi cần sử dụng thuốc trong khoảng 4 đến 12 tuần do vi khuẩn sẽ sống trong khoảng thời gian này. 

Chó cần sử dụng uống thuốc uống khi tình trạng bênh nặng hơn. Nguồn: Internet

Thuốc uống chống nấm thường bao gồm ketoconazole, itraconazole và fluconazole. Mặc dù những loại thuốc này đem lại hiệu quả cao tuy nhiên chúng cần phải được sử dụng trong thời gian dài (thường là vài tháng). Bên cạnh những lợi ích mà thuốc này đem lại, nó cũng đồng thời có những tác dụng phụ tiềm ẩn đối với sức khỏe của thú cưng đặc biệt là gan. Chính vì thế, khi cho thú cưng sử dụng thuốc, chúng ta nên có sự hướng dẫn của bác sĩ để có thể theo dõi chặt chẽ sức khỏe của chúng thông qua xét nghiệm máu định kỳ. Nếu thú cưng bị tái phát nhiễm nấm sau khi điều trị thành công, bạn sẽ cần phải sử dụng liều cao hơn của thuốc chống nấm. Đa số thú cưng bị viêm da nấm men tiến triển hoặc mãn tính đều được điều trị bằng sự kết hợp giữa thuốc uống và thuốc bôi.

article