Sức khỏe

CHÓ CƯNG BUỒN BÃ LO ÂU: LÀM SAO ĐÂY?

CHÓ CƯNG BUỒN BÃ LO ÂU: LÀM SAO ĐÂY?

Dạo trước mình có nhận được câu hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè rằng chó cưng đột nhiên buồn bã, lo âu phải làm sao? Bản thân mình cũng từng trải qua nên rất thấu hiểu nỗi lòng của các bạn nuôi chó. Nhà mình có em cún tên Beo, em ấy ngoan và bụ bẫm lắm! Hôm nào cũng chạy ra ngõ đón mình về, suốt ngày cứ tíu ta tíu tít quanh mình. Đùng một cái em trở nên “kiệm lời”, thường xuyên có dấu hiệu buồn bã, chán ăn. Mình biết em đang bước vào giai đoạn khó ở, chẳng buồn giao tiếp với ai. Vậy là mình đã nghiên cứu, tìm hiểu cách thức để giúp em đánh bay chứng buồn bã, lo âu. Kết quả là mình thành công mỹ mãn mọi người ạ! Chính vì thế, hôm nay mình sẽ mách lại những cách mình đã áp dụng nhé! 

1. Vì sao thú cưng lại buồn bã, lo âu? 

Bất kỳ thay đổi lớn, sự kiện đau buồn  nào trong cuộc sống cũng đều tác động đến trạng thái cảm xúc của thú cưng, đặc biệt là chó. Ngoài một số sự kiện đau lòng như gia đình chủ nuôi xảy ra biến cố, chủ nuôi vắng mặt hàng tháng liền, chó còn dễ bị trầm cảm, buồn bã lo âu khi gặp các sự kiện khác như chuyển đến nhà mới, chấn thương, bệnh tật, thay đổi thói quen, thậm chí khi bạn đón về một em mèo, em cún mới cũng tác động mạnh đến tâm trạng của chúng. Nếu trầm cảm được xem là căn bệnh nguy hiểm, khiến con người “chết dần chết mòn” thì nó cũng có tác động tương tự với thú cưng, bạn không nên lơ là hay phớt lờ! 

Vì sao thú cưng lại buồn bã, lo âu? 

Để chủ nuôi dễ hình dung hơn về những biểu hiện buồn bã, lo âu của chó cưng nhà mình, Pet Choy sẽ tổng hợp các dấu hiệu như sau: 
* Các dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm ở chó

  1. Không thích chơi đùa với người và cả đồ chơi 
  2. Mắt lúc nào cũng bí xị, buồn rầu 
  3. Thiếu năng lượng
  4. Lẩn tránh chủ nuôi 
  5. Gầm gừ, hú hét hoặc hung hăng
  6. Ngủ nhiều hơn bình thường 
  7. Biếng ăn 
  8. Thao thức, không ngủ được 

* Các dấu hiệu thường gặp khi chó lo lắng 

  1. Cắn nhai hoặc phá hủy đồ đạc
  2. Liếm chân nhiều lần 
  3. Đi tiêu hoặc đi tiểu không đúng vị trí 
  4. Thở hổn hển không rõ lý do
  5. Thở dài, run rẩy hoặc rên rỉ

Chó cưng thường ngày ngoan ngoãn, cuộn tròn vào người bạn, nguẩy đuôi liên tục. Đột nhiên một ngày “thay tính đổi nết”, trở nên hung hăng, quạu quọ hoặc nằm co ro nơi góc phòng thì rất có thể nó đang bị trầm cảm, lo âu. Bạn cần tìm hiểu những cách giải quyết thiết thực nhất để thú cưng vượt qua tình trạng này càng sớm càng tốt. 

2. Phải làm sao khi phát hiện thú cưng chán chường? 

Sau đây là vài tip nhỏ mà Pet Choy đã áp dụng cho chó cưng nhà mình, bạn cũng thử xem nhé: 

 Phải làm sao khi phát hiện thú cưng chán chường? 

1 - Chủ nuôi giữ bình tĩnh

Chó là loài động vật nhạy cảm, chúng có thể hiểu được hành vi, cảm xúc của chủ nuôi. Chính vì thế, thay vì giận dữ, cáu gắt mỗi khi vật nuôi nằm ườn ra nhà, không chịu ăn hay vui chơi chạy nhảy, bạn nên bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc của bản thân để không làm ảnh hưởng đến chó cưng. Nếu bạn phản ứng càng gay gắt thì chó của bạn sẽ càng cảm thấy chán chường, mệt mỏi, thậm chí giận dữ, cào cấu, cắn xé tay chân bạn,... 

2 - Quan sát và ghi lại hành vi của vật nuôi

Để giúp chó cưng vượt qua thời kỳ khủng hoảng, "khó ở" bạn nên quan sát cử chỉ, hành động của chúng và ghi lại "tất tần tật". Làm như vậy, bạn sẽ so sánh đối chiếu được với hành vi thường ngày và biết được mức độ trầm cảm của vật nuôi. Về sau bạn cũng dễ dàng thuật lại tình trạng của thú cưng với bác sĩ thú y để bác sĩ xác định mức độ buồn bã, lo âu, nhờ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

3 - Tạo ra "vùng an toàn"

Tựa như con người, ai cũng muốn trở về nhà, tựa lưng ở chiếc giường của mình sau những vất vả, bộn bề ngoài xã hội. Thú cưng cũng vậy, mỗi chú chó đều cần một "lãnh địa", "vùng an toàn" - nơi mà vật nuôi có thể giải tỏa mọi căng thẳng, lo âu, buồn bực. Chủ nuôi có thể thiết kế một chiếc ổ nhỏ xinh có nệm ấm, chăn êm hoặc vài vật dụng ưa thích của chó cưng. Khi chúng nằm ườn tại chiếc ổ nhỏ, bạn đừng cố gắng xâm phạm làm mất đi không gian riêng tư cũng như khiến vật nuôi phản ứng ngược lại. 

4 - Cho thú cưng đi dạo nhiều hơn 

Chó là loài vật có tính xã hội cao, chúng thích vận động, giao lưu cùng đồng loại. Chính vì thế việc chủ nuôi cho chó đi dạo nhiều hơn sẽ giúp chúng "tái hòa nhập cộng đồng". Biết đâu vật nuôi của bạn sẽ vui vẻ, tràn đầy năng lượng trở lại. Bởi bị nhốt ở nhà mãi cũng là nguyên nhân khiến chó cưng lo lắng, buồn bã. Bạn nên dành khoảng 15-30 phút mỗi ngày để dẫn chúng đến những địa điểm công cộng như công viên, đường phố, vòng quanh khu nhà,... 

5 - Chủ nuôi luôn là người bạn đáng tin cậy 

Chó là loài vật trung thành bậc nhất, đối với chúng chủ nuôi là người bạn thân thiết, không thể tách rời. Khi thú cưng cảm nhận được hơi ấm của bạn, chúng sẽ dần yêu quý và nghe theo lời bạn. Vì vậy, hãy luôn kiên nhẫn và đồng hành cùng chúng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Pet Choy tin chắc sự ân cần, dịu dàng của bạn sẽ khiến vật nuôi dần hòa nhập với cuộc sống bình thường! 

Nuôi dạy thú cưng chưa bao giờ là điều dễ dàng, đòi hỏi bạn phải thật nhẫn nại để đồng hành cùng các bé. Nếu trên hành trình đó, bạn chẳng may gặp trở ngại hay có những vấn đề nan giải chưa biết giải quyết thế nào thì đừng quên Pet Choy nhé! Hãy chia sẻ nỗi lo, sự băn khoăn cho chúng mình để chúng mình giải đáp "tất tần tật" cho bạn. 
 

article