Mèo đi khập khiễng khiến chủ nuôi lo lắng không yên, không biết nguyên nhân từ đâu và cách khắc phục thế nào. Giữa luồng thông tin đầy rẫy trên mạng xã hội bạn không biết tìm kiếm và kiểm chứng thông tin ra sao. Đừng lo, nếu vẫn còn lăn tăn thì hãy cùng Pet Choy xem qua bài viết này nhé! Chúng mình sẽ cùng bạn điểm lại những nguyên do và cách xử lý phổ biến nhất để mèo yêu tạm biệt chứng đi khập khiễng
1. Vì sao mèo đi khập khiễng?
Khi phát hiện mèo cưng đi khập khiễng, trước tiên chủ nuôi nên kiểm tra mèo có bị chấn thương hay không. Bởi mèo thường có xu hướng “giấu bệnh”, che giấu cơn đau rất giỏi nên chủ nuôi thường khó phát hiện, đến khi vượt quá giới hạn chịu đựng, mèo mới bộc lộ ra bên ngoài thông qua các hành động như rên ư ử, mệt mỏi, đứng không vững.
Nếu không có gì bất thường thì rất có thể nguyên nhân xuất phát từ bên trong, mèo gặp một số bệnh lý liên quan đến cơ, khớp, xương, bàn chân hoặc các mô. Bên cạnh đó, các bác sĩ thú y cũng đúc kết ra được những nguyên nhân cốt yếu khiến mèo cưng đi khập khiễng:
- Có gì đó mắc kẹt trong chân của mèo
- Bị bong gân hoặc gãy chân do chấn thương (bị va đập, ngã hoặc tiếp đất sai)
- Đi qua bề mặt nóng (bếp, sỏi nóng hoặc vỉa hè)
- Móng mọc ngược
- Bị bọ hoặc động vật khác cắn
- Móng chân bị nhiễm trùng hoặc rách
Vì sao mèo đi khập khiễng?
Ngoài ra, mèo đi khập khiễng có thể là do mèo mắc bệnh cơ tim phì đại (HCM), tạo áp lực lên tim mèo, hình thành cục máu đông làm gián đoạn việc cung cấp máu đến chân sau, khiến chân mèo yếu dần đi. Khi mèo già, các cơ cũng bắt đầu “rệu rã” dẫn đến những chứng viêm khớp, cứng khớp,... khiến chân mèo không còn linh hoạt như trước nữa.
Tất cả những điều đã phân tích trên đây đều là tác nhân khiến mèo của bạn đi khập khiễng. Hãy thường xuyên kiểm tra xem mèo nhà mình có một trong những biểu hiện trên không nhé!
2. Chủ nuôi nên làm gì?
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân khiến mèo đi khập khiễng, chủ nuôi nên tìm cách để giúp thú cưng vượt qua. Tùy theo trường hợp của từng con mà bạn đưa ra cách giải quyết phù hợp:
2.1. Trong trường hợp mèo đạp gai hoặc có vật thể lạ trong chân
Bạn quan sát chân mèo, tìm xem chỗ nào có vết thương hở, sưng tấy, mẩn đỏ hoặc chạm nhẹ vào những nơi bạn "nghi ngờ". Nếu đó là một thứ gì đó chẳng hạn như gai, hãy nhẹ nhàng kéo gai ra bằng nhíp và làm sạch khu vực đó bằng xà phòng và nước. Chủ nuôi kết hợp băng bó khu vực bị thương để chân mèo không bị nhiễm trùng, lây lan và giúp cho miệng vết thương mau lành lại.
2.2. Cắt tỉa móng định kỳ
Đôi khi móng quá dài cũng là nguyên nhân khiến mèo đi khập khiễng, gây khó khăn trong việc di chuyển, móng dài còn đâm vào thịt gây đau đớn cho mèo khi di chuyển. Trong trường hợp này, chủ nuôi nên cắt tỉa móng cho mèo. Chủ nuôi chủ động ôm mèo vào lòng, vuốt ve âu yếm để mèo có cảm giác an toàn. Sau đó bạn đặt chân mèo vào lòng bàn tay của bạn, đưa ra ánh sáng để xác định vị trí đệm thịt (vùng tam giác nhỏ màu hồng nằm bên trong móng). Khi cắt chủ nuôi cần tránh phần đệm thịt ra để không làm tổn thương mèo.
Cắt tỉa móng định kỳ
2.3. Đưa mèo đến bác sĩ thú y
Nếu bạn không thể tìm ra nguyên nhân của chứng khập khiễng và tình trạng trên không kết thúc sau 24h, bạn hãy mang thú cưng đến gặp bác sĩ thú y ngay nhé! Bởi bạn sẽ không biết mèo có bị gãy chân, viêm khớp, bong gân hay không. Nếu mèo có các biểu hiện như thư thế chân kì quặc, chán ăn,... thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng! Bác sĩ thú y sẽ có đủ chuyên môn để thẩm định vấn đề, bạn không tự ý mua thuốc hay sờ nắn chân mèo khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Đưa mèo đến bác sĩ thú y
Nếu chưa qua 24h mà mèo đã có những biểu hiện như chảy máu, sưng tấy hoặc chân tay bị treo một cách lạ lùng, hãy gọi bác sĩ thú y ngay lập tức để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc tình trạng xấu đi. Chủ nuôi cũng nên gọi cho bác sĩ thú y nếu bạn không biết cách xử lý tình huống, bác sĩ thú y sẽ có thể cho bạn lời khuyên về những hành động bạn nên làm tiếp theo.
2.4. Thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt
Trong khi chờ cuộc hẹn với bác sĩ thú y, chủ nuôi hạn chế cho mèo cử động để tránh làm vết thương nặng thêm, sắp xếp nơi ở thoải mái, giữ ấm thú cưng trong những chiếc chăn mà nó ưa thích hoặc có thể bỏ vài vật dụng mèo hay chơi cùng vào chỗ nằm để phân tán sự chú ý. Sau khi thăm khám, chủ nuôi cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thú y về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc để mèo mau hồi phục. Ngoài ra, bạn cũng nên dành nhiều thời gian để ở bên cạnh động viên, chia sẻ cùng mèo cưng; thường xuyên vuốt ve, ủ ấm để mèo không rơi vào tình trạng tủi thân, trầm cảm.
Thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt
Đi khập khiễng không phải là căn bệnh nhẹ nên bạn tuyệt đối không lơ là mà phải chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của thú cưng. Với sự chăm sóc đặc biệt từ chủ nuôi cũng như sự can thiệp kịp thời của bác sĩ thú y, mèo cưng sẽ mau chóng khỏe lại và chạy nhảy như trước!