“Thương cho voi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là câu nói ông bà ta luôn nhắc tới mỗi khi cần răn đe, dạy dỗ và giáo dục con cái. Xưa nay ông bà ta vốn cho rằng cách để bạn có thể nhận ra những lỗi sai của mình và sửa chữa hoàn thiện mình tốt hơn chính là biện pháp uốn nắn bằng đòn roi. Việc giáo dục hà khắc bằng đòn roi hay những hình phạt nặng nề tuy mang mục đích tốt nhưng lại dẫn đến không ít những hậu quả về sau. Đối với con người cũng vậy mà đối với thú cưng cũng vậy, huấn luyện chó mèo bằng đòn roi tiềm ẩn những nguy hiểm gì?
Chăm sóc thú cưng
Huấn luyện chó mèo bằng bạo lực, đặc biệt là việc đánh vào mũi/mõm của chó mèo, là một phương pháp dạy dỗ thú cưng lỗi thời, để lại nhiều hậu quả khôn lường. Theo trang Pet Helpful, việc đánh vào mũi của những chú chó không những không giúp chúng hiểu được lỗi sai mà chúng mắc phải mà còn khiến chúng hiểu lầm rằng đây là những hành vi đùa giỡn quá chừng mực, điều đó dẫn tới việc chú chó có những phản ứng như cắn hay phòng thủ. Cách răn đe này không chỉ không đem lại được kết quả như mong muốn mà còn tạo ra những tác hại lớn tới sức khỏe thú cưng.
Tại sao không nên đánh vào mõm hay mũi của chó mèo?
1. Tổn thương sức khỏe thú cưng
Trong các hoạt động hàng ngày của thú cưng, đa số đều cần sử dụng chiếc mũi từ việc đánh hơi đồ ăn đến làm quen môi trường mới hay kết bạn. Ngoài chức năng khứu giác, chiếc mũi còn chính là một công cụ để chó mèo kiểm soát thân nhiệt từ đó có thể chẩn đoán được liệu thú cưng có đang trong trạng thái khỏe mạnh nhất hay không. Dễ dàng nhận thấy chiếc mũi nhỏ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chó mèo trong việc nhận thức hay xác định tình trạng sức khỏe của chúng.
Mèo đánh hơi mùi hương của thức ăn
Mặc dù mũi là một bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chó mèo, nhiều người không hề biết điều này. Một số người nuôi chó mèo vẫn tin rằng việc đánh vào mũi thú cưng là một cách vô hại để uốn nắn chúng trở nên ngoan ngoãn. Theo Chương trình nghiên cứu Hành vi của Mèo SPCA San Francisco, trên thực tế điều này hoàn toàn sai trái, nỗi đau mà hành động này mang tới cho mỗi chú chó hay cô mèo đều có thể tương đương với cảm giác khi con người chúng ta bị cây lăn bột đập vào mũi.
Mũi là bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của mèo
VCA Animal Hospitals cũng cho biết, vùng mũi của chó mèo rất nhạy cảm và mỏng manh, tập trung rất nhiều dây thần kinh, mạch máu nhằm giúp chúng hít thở, đánh hơi, nhận thức, giao tiếp, tìm bạn, tránh kẻ thù... Như vậy, chiếc mũi của chó mèo giữ vai trò giống như một chiếc ăng ten của chúng. Khi chúng ta răn đe bằng cách đánh vào mũi chó mèo có thể gây ra sự khó chịu hoặc tệ hơn là đau đớn cho cơ thể của chúng. Việc này sẽ tác động xấu đến cơ thể cũng như cách sinh hoạt hàng ngày của chúng.
Trong một số trường hợp, khi chúng ta tác động một lực quá lớn sẽ khiến cho thú cưng bị thương nặng hơn như: chảy máu mũi, khó cầm máu,... Một điều rất cần lưu tâm là, khi sự cố xảy ra, chúng ta không nên chủ quan, cần phải đưa thú cưng đến gặp bác sĩ thú y ngay lập tức. Điều này nhằm đảm bảo thú cưng vẫn đang trong tình trạng ổn định và tránh dẫn đến tình huống nguy hiểm.
2. Chấn thương tâm lý của thú cưng
Bên cạnh việc gây ra những ảnh hưởng về lối sinh hoạt, sức khỏe thể xác, việc đánh vào mũi các chó mèo còn gây ra nguy cơ chấn thương về mặt tinh thần của chúng. Dù là vì lý do gì thì việc dùng bạo lực để dạy dỗ cũng sẽ tác động xấu đến tâm lý và thể chất của chó mèo. Trang Mi Dog Guide cho rằng việc giáo dục bằng đòn roi đối với thú cưng là điều không nên, đặc biệt là nó còn có thể phá hủy mối quan hệ giữa thú cưng và người nuôi thú cưng.
Huấn luyện chó cưng bằng cách đánh vào mũi có thể làm chó cưng lo lắng, sợ hãi
Dùng đòn roi để đưa chó mèo vào nền nếp sẽ tạo ra tâm lý sợ hãi của chó mèo đối với chủ nuôi chó mèo. Nếu hành động này tái diễn trong thời gian dài, tâm lý của chúng sẽ trở nên bất ổn, dễ sợ hãi hơn khi bạn cố gắng cưng nựng hoặc an ủi chúng. Nỗi sợ lâu dần sẽ làm chó mèo trở nên thu mình lại đồng thời làm phai mờ đi tình yêu thương và dần đẩy khoảng cách giữa bạn và chúng ngày một xa hơn. Nỗi sợ của thú cưng sẽ dần leo thang và bạn sẽ dần trở thành nỗi ám ảnh đối với chúng.
Huấn luyện thú cưng không dùng đến đòn roi
Trong thực tế, việc nuôi dưỡng và dạy dỗ chó mèo cần có sự kiên nhẫn lớn đến từ người nuôi. Người nuôi thú cưng cần hiểu rõ việc đánh mắng sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đối với thú cưng cả về mặt tâm lý lẫn thể xác từ đó kiềm chế được cơn giận dữ và đưa ra được những biện pháp huấn luyện đúng đắn hơn trong quá trình nuôi dạy.
Huấn luyện thú cưng một cách khoa học
Sự thật là, việc huấn luyện chó mèo bằng cách đánh mắng sẽ không hiệu quả bằng việc bạn chăm sóc, thương yêu các bé đúng cách. Chăm sóc chó mèo bằng những bữa ăn tươi đủ đầy dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, các bài tập thể dục, vui chơi, luyện tập để cải thiện tính cách, tâm trạng mới là cách huấn luyện khoa học. Có thể ban đầu chó mèo sẽ không biết cách đi vệ sinh đúng chỗ, hoặc phá phách nghịch ngợm, điều bạn cần chính là sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Bạn hãy từ từ chỉ ra lỗi sai, dành nhiều thời gian quan tâm đến chó mèo hơn, từ đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tính cách và điều chỉnh hành vi của chó mèo. Pet Choy xin bật mí cho các bạn là tập thể dục và chơi đùa thường xuyên với chó mèo có thể khiến chó mèo gia tăng tình cảm đối với người nuôi chó mèo đồng thời giúp chúng trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo hơn đó. Cụ thể về phương pháp tập thể dục cho chó mèo thì Pet Choy có bài viết riêng ở mục Cẩm nang, các bạn có thể click chuột để tìm nhé!
Chó mèo hư, không nghe lời chẳng qua chỉ là do chúng ta huấn luyện chưa đúng cách thôi. Nếu các bạn chịu khó nghiên cứu thì sẽ có thể dạy dỗ thú cưng của mình một cách khoa học mà không cần dùng đến đòn roi. Điều duy nhất chúng ta cần để dạy dỗ các chú chó cô mèo tinh nghịch là một trái tim yêu thương thú cưng cùng lòng kiên nhẫn. Đừng vội bỏ cuộc khi chó mèo chưa thể hiểu ý bạn ngay vì mọi thứ đều cần thời gian để thay đổi. Hãy thử lại mỗi ngày đến khi chó mèo nhà bạn trở thành các bé cưng ngoan ngoãn. Chúc các bạn thành công!