Chó bị dị ứng ngứa gãi không ngừng khiến chủ nuôi lo lắng, không biết lý do vì sao. Chủ nuôi muốn tìm kiếm thông tin chuẩn khoa học để biết cách xử lý cũng như bảo vệ chó cưng khỏi những tác nhân gây hại. Nếu đang gặp vấn đề trên thì bạn đừng quên “ghé” qua bài viết này để biết được 3 dạng dị ứng phổ biến ở chó và cách điều trị hiệu quả nhé. Nào, cùng Pet Choy xem ngay thôi:
1. 3 dạng dị ứng phổ biến ở chó chủ nuôi nên biết
Dị ứng ở chó là phản ứng mà hệ thống miễn dịch đáp lại các tác nhân lạ từ môi trường như cây cỏ, phấn hoa, chất độc, ve rận, côn trùng chích hoặc ký sinh trùng như nấm, ghẻ. Khi bị dị ứng, chó thường có những dấu hiệu như ngứa ngáy, mẩn đỏ khắp người, thậm chí sốt, thở hổn hển,...
Dị ứng ở chó thường xuất hiện với nhiều dạng khác nhau như dị ứng da, dị ứng thực phẩm, dị ứng cấp tính. Cụ thể:
1.1. Dị ứng da (viêm da dị ứng)
Dị ứng da (còn được gọi là viêm da dị ứng) là dạng phổ biến nhất mà chó thường mắc phải. Theo đó, có 2 nguyên nhân chính gây dị ứng da ở chó là:
- Viêm da dị ứng bọ chét
- Chất gây dị ứng môi trường
Viêm da dị ứng bọ chét xảy ra khi chó tiếp xúc với nước bọt của bọ chét khiến cơ thể của chó ngứa ngáy liên hồi, viêm đỏ, đóng vảy, đặc biệt là vùng đuôi, da. Trường hợp thứ hai là các chất gây dị ứng từ môi trường, chẳng hạn như bụi, phấn hoa và nấm mốc dẫn đến viêm da dị ứng, trường hợp này hay xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm. Theo đó những khu vực như bàn chân, tai, mõm, nách, bẹn, vùng quanh mắt và giữa các ngón chân dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây dị ứng từ môi trường. Tất cả các bệnh dị ứng da đều có nguy cơ nhiễm trùng thứ phát bởi lúc chó cào, cắn và liếm da, chúng có nguy cơ nhiễm trùng, nấm men và vi khuẩn.
Dị ứng da (còn được gọi là viêm da dị ứng) là dạng phổ biến nhất mà chó thường mắc phải
1.2. Dị ứng thực phẩm
Theo Tiến sĩ Jerry Klein, Giám đốc Thú y của AKC, dị ứng thực phẩm ở chó thường không phổ biến. Dạng dị ứng này bao gồm các triệu chứng như phát ban, sưng tấy, ngứa ngáy hoặc các biến chứng tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy). Trong một số trường hợp hiếm hoi còn có thể dẫn đến sốc phản vệ - tương tự như hiện tượng dị ứng đậu phộng ở người. Nhạy cảm với thực phẩm, không giống như dị ứng thực sự, không liên quan đến phản ứng miễn dịch mà thay vào đó là phản ứng với thành phần gây khó chịu trong thức ăn của chó, ví dụ như thịt bò, thịt gà, trứng, ngô, lúa mì, đậu nành hoặc sữa.
Những chú chó nhạy cảm với thức ăn có thể xuất hiện một số triệu chứng, bao gồm các dấu hiệu tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy, hoặc các dấu hiệu da liễu như ngứa ngáy, lông rụng nhiều và nhiễm trùng tai hoặc chân mãn tính. Cách tốt nhất để chẩn đoán và điều trị dị ứng thực phẩm là đưa thú cưng đến thăm khám tại các cơ sở thú y uy tín.
1.3. Dị ứng cấp tính
Dạng đáng báo động nhất trong số các loại dị ứng ở chó là dị ứng cấp tính. Giống như con người, chó có thể bị sốc phản vệ nếu chúng phản ứng nghiêm trọng với chất gây dị ứng, thậm chí chó có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo đó, ong đốt hay phản ứng với vắc xin sẽ tạo ra phản ứng phản vệ ở một số con chó, đó là lý do tại sao bạn nên theo dõi chặt chẽ khi cho vật nuôi tiêm ngừa bất kỳ loại vắc xin, thuốc hoặc thực phẩm mới nào.
2. Các triệu chứng của dị ứng ở chó
Các triệu chứng dị ứng ở chó có thể khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Ví dụ, một con chó bị sốc phản vệ sẽ bị tụt huyết áp sau đó là sốc, rất khác với tình trạng viêm da dị ứng bình thường. Tuy nhiên nhìn chung dị ứng ở chó thường có những triệu chứng phổ biến sau:
- Ngứa ngáy khắp người
- Sưng mặt, tai, môi, mí mắt
- Da đỏ, viêm
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Hắt xì
- Nhiễm trùng tai mãn tính
- Chảy nước mắt
- Liếm liên tục
3. Chẩn đoán dị ứng ở chó
Nếu bạn đã từng trải qua xét nghiệm dị ứng, thì bạn biết rằng việc chẩn đoán dị ứng thường rất phức tạp. Đầu tiên bác sĩ thú y sẽ xem xét ngoài dị ứng ra thì chó cưng có gặp những vấn đề sức khỏe khác hay không, nếu nghi ngờ thú cưng đang bị dị ứng thì họ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như:
- Chụp X- quang: Với cách này bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để kiểm tra tình trạng sức khỏe xem lồng ngực, phổi có thay đổi hình dạng không, các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim có bị sưng phù hay co bóp bất thường hay không,...
- Xét nghiệm máu: Cách thức này sẽ giúp bác sĩ xác định được tỉ lệ của hồng cầu và bạch cầu qua đó xác định có chó bị nhiễm khuẩn, mầm bệnh gì hay không.
- Xác định các con đường khiến chó bị dị ứng: Bao gồm đường hô hấp, da và đường miệng xem có gì khác lạ hay không.
Ngoài ra, viêm da do bọ chét thường là bệnh dị ứng dễ chẩn đoán nhất bằng cách xác định vùng da trên cơ thể chó cưng mà bọ chét trú ngụ rồi bôi một sản phẩm diệt bọ chét trước khi chúng “tấn công” vật nuôi để xem có giải quyết được vấn đề hay không.
4. Điều trị dị ứng ở chó
Cách điều trị dị ứng ở chó còn phụ thuộc vào việc chó cưng của bạn mắc phải loại dị ứng nào. Ví dụ: cách tốt nhất để điều trị viêm da do bọ chét là tiêu diệt loại ký sinh trùng này, trong khi cách tốt nhất để điều trị dị ứng thực phẩm là thay đổi chế độ ăn uống. Ngoài ra bạn cũng nên giữ gìn vệ sinh môi trường sống, hút bụi ít nhất 2 lần/tuần, sử dụng những sản phẩm tắm gội chuyên biệt, dành riêng cho thú cưng. Nếu tình trạng vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đưa chó cưng đến thăm khám tại các trung tâm y tế gần nhất nhé.
Điều trị dị ứng ở chó
Như vậy, chủ nuôi đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về các dạng dị ứng, triệu chứng kèm theo cũng như cách chẩn đoán, điều trị. Pet Choy hy vọng những kiến thức trên sẽ hỗ trợ chó cưng của bạn thoát khỏi dị ứng càng nhanh càng tốt!