Trong bài trước mình đã chia sẻ đến các bạn các cách cơ bản để chăm sóc mèo con mất mẹ, hôm nay, hãy cùng tiếp tục đề tài này nhưng với một đối tượng khác, đó chính là chó con.
Chó con mới sinh tương đối non nớt. Nếu chó mẹ không có khả năng tự nuôi con và chó con mất đi sự nuôi dưỡng từ mẹ, chúng cần phải được đáp ứng một số nhu cầu quan trọng để đảm bảo sự sống còn. Những nhu cầu cơ bản này bao gồm về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, bài tiết, chăm sóc thú y.
1. Nhiệt độ
Chó con mới sinh không thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Để giữ ấm, chó con phụ thuộc vào hơi ấm từ chó mẹ hoặc bức xạ nhiệt từ đàn chó con cùng lứa. Khi chó con mất mẹ bạn cần phải kiểm soát nhiệt độ liên tục cho chúng bằng cách cung cấp cho chó con một khu vực làm tổ không có gió lùa và các phương pháp sưởi ấm thay thế hơi ấm chó mẹ như lồng ấp, đèn sưởi, đệm sưởi hoặc bình nước nóng. Bất kỳ việc sưởi ấm nào cũng cần được thực hiện rất cẩn thận vì nếu sưởi ấm quá nhanh có thể khiến chó con bị căng thẳng vì nhiệt.
Đối với chó sơ sinh, nhiệt độ an toàn cụ thể như sau: 4 ngày đầu tiên sau khi chào đời: 29,5°C – 32°C. Từ 5 - 10 ngày tiếp theo: nhiệt độ giảm dần còn khoảng 26°C. Sau tuần thứ 4: nhiệt độ giảm dần còn khoảng 22,2°C. Cần cung cấp độ ấm hoặc làm mát cần thiết cho chó con dần dần. Kể cả khi một lứa chó con tụ tập vào nhau để truyền bức xạ nhiệt và không cần sự trợ giúp tăng nhiệt từ bên ngoài, bạn cũng cần lưu ý, phải giảm dần nhiệt độ trong tổ vì chó con khi còn quá non sẽ không biết tự di chuyển để tránh xa các nguồn nhiệt cao.
2. Độ ẩm
Việc thiếu sự chăm sóc bình thường từ chó mẹ cũng có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận ra dấu hiệu của những chú chó con bị mất nước. Chúng cũng có thể bị mất nước do các nguyên nhân khác như tiêu chảy, nôn mửa, tiếp xúc với không khí khô. Hai dấu hiệu của tình trạng mất nước mà bạn có thể nhận biết từ chó con đó là da mất độ đàn hồi, nướu khô, chạm vào có độ dính (nướu) trong miệng.
Độ ẩm tương đối môi trường từ 55% đến 65% là đủ để ngăn ngừa khô da ở một con chó con sơ sinh bình thường. Tuy nhiên, độ ẩm tương đối từ 85% đến 90% có hiệu quả hơn trong việc duy trì chó con nếu chúng nhỏ và yếu. Có thể đặt khăn ướt, ấm vào hộp của chó con để giúp duy trì độ ẩm cao hoặc dùng máy tạo độ ẩm không khí. Và chớ quên thay miếng vải ướt khi nó khô vì miếng vải ướt có thể gây mất nhiệt nhiều hơn 25% so với không khí.
3. Dinh dưỡng
Chó con sẽ tăng khoảng 5% trọng lượng cơ thể hiện tại mỗi ngày trong 4 tuần đầu tiên. Điều này có nghĩa là trọng lượng cơ thể có thể tăng gấp đôi vào 8-10 ngày sau khi sinh và tăng gấp ba vào tuần thứ ba sau sinh. Cân nặng sơ sinh của mỗi con chó con nên được ghi lại mỗi ngày hoặc hai ngày trong bốn tuần đầu tiên của cuộc đời. Bắt đầu từ tuần thứ năm, bạn có thể chuyển sang kiểm tra cân nặng hàng tuần.
Nước là chất dinh dưỡng quan trọng đối với chó con mồ côi, cũng như đối với tất cả các giai đoạn khác trong cuộc đời của chúng. Lượng nước bình thường tương đối cao đối với chó con, cần 130-220 mililít (mL) chất lỏng cho mỗi kg (kg) trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Trung bình, tổng lượng chất lỏng được cho ăn mỗi ngày (bao gồm cả chất thay thế sữa) nên xấp xỉ 180mL/kg trọng lượng cơ thể chó con. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và rất giàu calo. So với sữa bò, sữa mẹ của chó con chứa nhiều protein hơn gấp đôi và điều này giúp giải thích tại sao sữa bò không lý tưởng để nuôi chó con mồ côi. Các loại sữa công thức được khuyên dùng vì chúng tốt hơn sữa bò và các hỗn hợp tự chế. Nên làm ấm sữa trước khi cho cho chó con ăn vì sữa công thức lạnh, tốc độ cho ăn quá nhanh, hay cho ăn quá nhiều có thể dẫn đến nôn trớ, hút sữa, chướng bụng và tiêu chảy.
Không nên cho chó uống sữa bò. Sữa công thức được khuyên dùng cho chó con.
Khi cho ăn, giữ chó con ở tư thế nằm ngang như khi bú mẹ. Nếu chó con quá yếu không thể bú được, bác sĩ thú y có thể hướng dẫn bạn các phương pháp cho ăn thay thế và hỗ trợ cho ăn bằng ống (nếu cần).
Các bước cho chó con bú:
1. Đặt chó con nằm sấp ngang đầu như thể nó đang bú mẹ.
2. Nhẹ nhàng mở miệng chó con bằng một ngón tay và đặt đầu núm vú lên lưỡi. Nếu chó con không chịu ăn, hãy thử vuốt ve nhẹ nhàng.
3. Nghiêng bình sữa lên một chút để tránh chó con hít phải quá nhiều không khí. Không ép chó con bú hoặc để chó bú quá nhanh.
4. Sau mỗi lần bú, nên cho chó con ợ hơi. Giữ chó con dựa vào vai bạn và nhẹ nhàng vỗ lưng nó.
4. Hỗ trợ bài tiết
Chó con không thể tự đào thải (đi tiểu hoặc đại tiện) cho đến khi được khoảng 3 tuần tuổi. Chúng dựa vào chó mẹ để được kích thích phản xạ bắt đầu đào thải. Vậy nên, những chú chó con mất mẹ cần dựa vào người chăm sóc để kích thích đào thải. Sau khi cho bú, bạn có thể kích thích phản xạ đào thải của chúng bằng cách dùng bông gòn hoặc vải mềm ấm, ẩm xoa nhẹ vào vùng giữa hậu môn, bộ phận sinh dục. Thiếu sự hỗ trợ kích thích bài tiết sẽ khiến chó con bị táo bón.
5. Vệ sinh và thú y
Những chú con mồ côi đòi hỏi phải được chú ý nghiêm ngặt đến vấn đề vệ sinh để có sức khỏe và sự phát triển tối ưu. Một số các cách để vệ sinh đúng cách khi cho ăn như:
- Bình sữa và núm vú cần được rửa sạch và sau đó đun sôi trong nước để tiệt trùng giữa các lần sử dụng.
- Không bao giờ chuẩn bị nhiều sữa thay thế hơn mức có thể sử dụng trong vòng 24 giờ và luôn để trong tủ lạnh.
- Bỏ sữa công thức sau 1 giờ nếu để ở nhiệt độ phòng.
- Một hoặc hai lần mỗi tuần, nhẹ nhàng rửa sạch chó con bằng khăn ẩm.
Bằng cách chú ý đến các vấn đề vệ sinh khi cho ăn, bạn có thể giúp chó con mồ côi phát triển mạnh mẽ.
Trong tuần thứ ba của chó con, bạn nên đưa chó đến gặp bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe cũng như chế độ ăn uống, tẩy giun và tiêm phòng. Giai đoạn này mắt chó con vẫn còn nhạy cảm, vì vậy cần tránh để chúng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong lần ra ngoài đầu tiên này.
Chủng ngừa đầu tiên thường được tiêm cho chó con từ sáu đến tám tuần tuổi và cứ sau hai tuần một lần cho đến khi được 18 tuần tuổi. Tuy nhiên, chó con mất mẹ trong hai đến ba ngày đầu tiên sau khi sinh, có thể không có khả năng được truyền các chất miễn dịch bảo vệ. Trong trường hợp đó, bác sĩ thú y có thể khuyên bạn nên tiêm phòng sớm hơn hoặc thường xuyên hơn cho chúng. Chó con nên được điều trị giun từ hai đến ba tuần tuổi. Nên tẩy giun bốn tuần một lần cho đến khi liều vắc xin đầu tiên được tiêm. Sau đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về các chương trình tẩy giun trong tương lai.
Chó con mất mẹ cần được chăm sóc tích cực về tinh thần
Bên cạnh đảm bảo các nhu cầu về thể chất, chó con - đặc biệt là chó con mất mẹ cũng cần được chăm sóc tích cực về tinh thần. Hãy tương tác thường xuyên và dành thời gian cùng chúng khám phá thế giới xung quanh để giúp chó con không cảm thấy cô đơn và tự tin hơn khi tiếp xúc với con người, cũng như với các loài vật khác. Nhưng đừng để chó con vận động quá sức và hãy lưu tâm khi chó con tiếp xúc với trẻ con hay các loài động vật lớn hơn nhé.
Chó con, mèo con hay bất kì cá thể nào khi mất đi sự chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương của mẹ cũng đều sẽ phải vật lộn để sống sót và phát triển. Dù khó tránh khỏi quy luật này nhưng bằng sự am hiểu và tình yêu thương, chúng ta đều có thể hỗ trợ để quá trình sinh tồn này bớt đi phần khắc nghiệt. Mặc dù hai đến ba tuần đầu tiên chăm sóc cún con mất mẹ có thể là giai đoạn khó khăn, nhưng mọi nỗ lực đều sẽ xứng đáng khi chúng được phát triển thành những chú chó khỏe mạnh trong tương lai.
Hiểu được sự khó khăn trong việc chăm sóc cún yêu ở giai đoạn đầu đời, nhất là trong vấn đề cho ăn và dinh dưỡng, Pet Choy đã sớm cho ra mắt dòng sản phẩm Protector đặc biệt dành riêng cho cún dưới 12 tháng. Protector gồm bộ ba món ngon với các nguyên liệu chính từ thịt gà, heo và bò vừa giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường đề kháng, giúp bé cún nhỏ giàu năng lượng cho một ngày chạy nhảy vừa tạo hương vị đa dạng giúp cún con không chán ăn. Nếu vẫn chưa biết hôm nay cho bé con nhà bạn ăn món gì thì chớ ngần ngại mà thử ngay các món trong menu Protector của bếp nhà Pet Choy nhé.